Từng "gánh" khoản nợ 300 triệu đồng, cựu binh Nguyễn Văn Khôi nay thu tiền tỷ mỗi năm nhờ "rẽ đất trồng mía, hứng nắng làm điện mặt trời".
Tay trắng… lại tay trắng
Vừa tròn tuổi 18, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Khôi (SN 1966, xã Hoàn Lão, tỉnh Quảng Trị) gác bút nghiên để tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia sau khi nhận được lời kêu gọi giúp đỡ của Mặt trận Đoàn kết Dân tộc cứu nước Campuchia.
Chưa kịp góp sức nhiều nơi chiến tuyến, anh đã bị thương và phải rời chiến trường. Quyết không để thương tật cản bước, Khôi vào học tập tại Trường Sĩ quan Pháo binh (Hà Nội). Và rồi một lần nữa, sức khỏe không cho phép thanh niên này tiếp tục việc học.
Năm 1991, Nguyễn Văn Khôi lập gia đình và trở thành trụ cột của tổ ấm nhỏ với 3 người con. Để gồng gánh nuôi gia đình, cựu chiến binh này phải làm đủ thứ nghề từ thợ mộc, thợ nề, làm ruộng đến ai thuê gì làm nấy. Những công việc này tạo ra kinh tế nuôi con ăn học đã khó chứ chưa nói đến việc giúp gia đình khá giả hơn.
Thấy nghề làm gạch thủ công đang ăn nên làm ra tại địa phương, ông Khôi mạnh dạn thế chấp tài sản, gom góp được 40 triệu đồng để khởi nghiệp. Thế nhưng, do thiếu kinh nghiệm, lại vận hành theo cách làm cũ kỹ, lò gạch nhanh chóng thất bại. Chỉ trong một năm, khoản lỗ 300 triệu đồng giáng đòn nặng nề vào gia đình nhỏ đang chật vật mưu sinh.
“Tay trắng bước vào nghề, rồi lại trắng tay sau thất bại với lò gạch. Ở thời điểm đó, khoản nợ 300 triệu vượt xa sức chịu đựng của tôi. Không ít lần, tôi đã nghĩ đến chuyện buông xuôi để giải thoát chính mình”, ông Khôi lặng giọng kể.
Có những đêm, ông Khôi ngồi một mình giữa sân gạch trống hoác, nhìn vào bóng tối mà nghĩ ngợi. "Đã là lính thì không được phép gục ngã giữa đời thường”, suy nghĩ ấy níu ông đứng dậy. Ông viết lại sổ nợ, chia từng mục nhỏ để trả dần. Kiếm được đồng nào, ông cẩn thận gói ghém như người từng trải qua đói nghèo tận cùng.
Một ngày, cựu chiến binh quyết tâm học lại từ đầu. Nghe nơi nào có lò gạch tốt, ông Khôi xách ba lô đến lân la xin học. Không ngại làm không lương, miễn được học là tốt, và rồi ông quay lại quê nhà, từng bước khôi phục lò gạch cũ.
Thu tiền tỷ hàng năm
Vừa xoay xở làm gạch, vừa thầu thêm ruộng làm lúa, ông Khôi âm thầm gồng gánh suốt hơn 5 năm để trả dứt khoản nợ 300 triệu đồng. Đến năm 2013, vì sức đã cạn sau bao năm ròng rã, ông quyết định dừng nghề gạch.
Không chấp nhận sống nhàn rỗi, cựu chiến binh Nguyễn Văn Khôi chuyển hướng sang trồng mía. Mặc dù đây là một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ với ông. Từ phần đất nhỏ do cha mẹ để lại, ông bắt đầu học hỏi kỹ thuật canh tác, rồi mạnh dạn thuê thêm đất để mở rộng quy mô.
Khi diện tích canh tác lên đến 4ha, ông Khôi tổ chức lại lao động, thuê người địa phương cùng trồng, chăm sóc và thu hoạch mía. Vừa tạo công việc cho bà con, vừa xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định, ông dần định hình được hướng đi bền vững cho mình.
"Bình quân mỗi năm, sau khi trừ chi phí, tôi thu về khoảng 500 triệu đồng từ cây mía. Mô hình trồng mía của tôi tạo việc làm cho hơn 40 lao động địa phương. Giúp được những nông dân khác, tôi phấn khởi lắm chứ", ông Khôi bộc bạch.
Năm 2019, một lần nữa cựu chiến binh Nguyễn Văn Khôi bước ra khỏi vùng an toàn. Quan sát thấy địa phương chưa ai đầu tư điện mặt trời, ông bắt đầu tìm hiểu từ sách báo, hỏi han bạn bè và đến trực tiếp nơi đã triển khai. Nghiền ngẫm xong, ông quyết định đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái với tổng số vốn 5,1 tỷ đồng. Trong đó vay ngân hàng 2,7 tỷ đồng, huy động người thân, bạn bè và từ tích cóp được 2,4 tỷ đồng.
Dự án điện mặt trời với tổng công suất 250kW không chỉ giúp gia đình tự chủ nguồn điện mà còn mang lại nguồn thu 500 đến 600 triệu đồng mỗi năm. Đây được xem là một trong những mô hình điện mặt trời dân dụng tiên phong tại địa phương Quảng Trị khi đó.
Là một cựu chiến binh gương mẫu, ông Khôi tích cực chia sẻ kinh nghiệm, vận động bà con mạnh dạn ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, giảm lệ thuộc vào mùa vụ, tăng hiệu quả sử dụng đất và năng lượng. Nhiều hộ dân quanh vùng bắt đầu thay đổi tư duy sản xuất, mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới tự động, hoặc chuyển đổi cây trồng phù hợp với khí hậu và thị trường.
Là một trong những lao động có thời gian dài gắn bó với gia đình ông Khôi, bà Lê Thị Hằng Nga (SN 1961, xã Hoàn Lão, tỉnh Quảng Trị) cho biết: “Nhờ có bác Khôi, tôi có công việc để làm và có nguồn tiền ổn định để nuôi con cái ăn học. Vợ chồng bác vui tính, hòa nhã nên được bà con lối xóm yêu quý”.
Các con ông Khôi nay đều đã trưởng thành, có công việc ổn định. Nhắc về cha, họ không chỉ cảm phục nghị lực vượt khó mà còn biết ơn vì chính sự kiên cường ấy đã nuôi dưỡng con cái thành người.
Ở tuổi 60, cựu chiến binh Nguyễn Văn Khôi làm giàu ngay trên chính quê hương của mình từ việc trồng mía, tận dụng khoảng đất trống để làm điện mặt trời, đến giúp bà con, bạn bè làm ăn. Đây thực sự là một tấm gương cho tinh thần Bộ đội cụ Hồ.