Năm 2006, Bộ Y tế đặt hàng Công ty Dược Cửu Long sản xuất 5 triệu viên Oseltamivir với giá gần 146 tỷ đồng. Để sản xuất, Lương Văn Hóa và cấp dưới mua từ Công ty Mambo (Singapore) 525kg nguyên liệu, giá gần 9 triệu USD.
Sau đó, giá nguyên liệu giảm nên phía Mambo đồng ý giảm giá 3,8 triệu USD cho Công ty Dược Cửu Long. Tuy nhiên, Lương Văn Hóa đã không báo cho Bộ Y tế biết mà dùng số tiền này để bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh.
Năm 2010, Thanh tra Chính phủ phát hiện Công ty Dược Cửu Long "để ngoài sổ sách" hơn 3,8 triệu USD nên yêu cầu nộp lại. Tuy nhiên, bị cáo Hóa chỉ đạo cấp dưới chuyển số tiền này ra nước ngoài, thanh toán cho 11 hợp đồng mua nguyên liệu khác, không phải để sản xuất Oseltamivir.
Viện kiểm sát cáo buộc bị cáo Hóa đã "nhiều lần làm việc với Bộ Y tế" nhưng không báo cáo hoặc báo cáo sai sự thật về việc được giảm giá mua nguyên liệu. Khi bị phát hiện, người này còn chỉ đạo cấp dưới làm các thủ tục hợp thức hồ sơ thanh toán, gây thiệt hại hơn 3,8 triệu USD (tương đương 61 tỷ đồng).
Cáo trạng xác định, các bị can tại Bộ Y tế được giao nhiệm vụ ký kết hợp đồng, theo dõi việc thực hiện, thanh quyết toán hợp đồng và định kỳ kiểm tra, đánh giá việc mua bán nguyên liệu sản xuất thuốc giữa Dược Cửu Long và nhà cung cấp.
Tuy nhiên, các bị can đã thiếu trách nhiệm, thực hiện không đúng, không đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được giao, không xem xét, đánh giá việc thực hiện điều khiển đàm phán giá mua nguyên liệu… Họ không phát hiện việc Công ty Dược Cửu Long được giảm giá và giữ lại số tiền 3,8 triệu USD.
Cựu Thứ trưởng Cao Minh Quang bị xác định giữ vị trí Trưởng ban chỉ đạo giải quyết việc liên quan thuốc Tamiflu và Oseltamivir nên có trách nhiệm kiểm tra các vấn đề phát sinh.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, ông Quang từng phát hiện Công ty Dược Cửu Long "ỉm" 3,8 triệu USD nhưng không chỉ đạo tiếp tục kiểm tra, làm rõ. Quá trình điều tra vụ án, ông Quang đã nộp 1,5 tỷ đồng để góp phần khắc phục hậu quả.