Đài NHK dẫn lời quan chức cao cấp Đảng LDP cho biết ông nghe được thông tin là ông Abe đang được truyền máu, tình hình rất đáng lo ngại.
Đến 15h ngày 8-7, Đài này đưa tin phu nhân ông Abe đã đến Đại học Y Nara, nơi ông đang được điều trị.
Em trai ông, Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi, xác nhận cựu thủ tướng đang được truyền máu.
Nghi phạm bắn ông Abe bị bắt giữ tại hiện trường - Ảnh: ASAHI
Đài này cũng dẫn thông tin từ cảnh sát cho biết nghi phạm bắn ông Abe không hài lòng với cựu thủ tướng và muốn giết ông.
Hai người phụ nữ chứng kiến vụ việc nói với Đài NHK rằng nghi phạm được cho là Yamagami Tetsuya (41 tuổi) đã tiếp cận ông Abe từ phía sau khi ông đang phát biểu.
Đài Fuji đưa tin nghi phạm trong vụ nổ súng bắn cựu thủ tướng Nhật Abe Shinzo là cựu thành viên Lực lượng phòng vệ biển.
Các nhân chứng cho biết khi tiếng súng đầu tiên vang lên, dường như không có ai bị thương. Tới phát súng thứ hai, ông Abe ngã xuống đất và mọi người liền lao vào.
Nghi phạm dường như không cố gắng chạy trốn sau khi nổ súng. Đài NHK cho biết nghi phạm dùng một khẩu súng tự chế.
Khẩu súng của nghi phạm bắn ông Abe Shinzo - Ảnh: ASAHI
Một số lãnh đạo các nước đã lên tiếng về vụ việc. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói nước Mỹ "vô cùng đau buồn và quan ngại sâu sắc" trước vụ việc.
Ngoại trưởng Thái Lan Kasit Piromya cho biết Thủ tướng Prayut Chan-O-Cha "rất sốc" khi hay tin, mô tả hai nhà lãnh đạo là bạn bè.
Theo Hãng tin AFP, Nhật Bản có luật kiểm soát súng khắt khe nhất thế giới. Số người chết vì súng hằng năm ở đất nước 125 triệu dân này thường chỉ đếm trên một bàn tay.
Việc xin giấy phép sử dụng súng là một quá trình phức tạp và kéo dài ngay cả đối với công dân Nhật Bản. Trước tiên, họ phải được một hiệp hội bắn súng giới thiệu và sau đó phải trải qua sự kiểm tra nghiêm ngặt của cảnh sát.
Corey Wallace, trợ lý giáo sư tại Đại học Kanagawa, người chuyên nghiên cứu về chính trị Nhật Bản, nói với Hãng tin AFP rằng "Nhật Bản không xảy ra chuyện như thế này trong hơn 50 đến 60 năm qua".