Nếu như trong tháng 1-2023 ghi nhận 1.070 ca mắc tay chân miệng thì đến tháng 5-2023 đã tăng lên 3.101 ca. Đặc biệt, số ca mắc tay chân miệng trong các tuần gần đây đã có xu hướng gia tăng nhanh và có 3 ca tử vong trong tháng 5 năm 2023. Đây cũng là 3 ca tử vong do tay chân miệng đầu tiên trong năm nay.
Số mắc tay chân miệng chủ yếu gặp ở trẻ nam (chiếm 60%), trẻ nữ chiếm 40% tổng số mắc. Số mắc tay chân miệng chủ yếu ở trẻ dưới 10 tuổi (chiếm 98,5%), trong đó hay gặp ở nhóm từ 1-5 tuổi, tuổi trẻ đi nhà trẻ và mẫu giáo (chiếm 84%) và dưới 1 tuổi (chiếm 18%).
Kết quả giám sát vi sinh về tác nhân gây bệnh tay chân miệng năm 2023 đã ghi nhận gia tăng tỷ lệ các trường hợp dương tính Enterovirus 71 (EV71) trong tổng số mẫu được xét nghiệm, từ 5,9% tuần 14 năm 2023 lên 19,2% tuần 20 năm 2023. Sự xuất hiện của vi rút Enterovirus 71 (EV71) có khả năng gây bệnh nặng ở một số trường hợp mắc bệnh.
Do đó, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tiếp tục tăng cường giám sát, phát hiện sớm, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch tay chân miệng. Đồng thời, tăng cường lấy mẫu các trường hợp mắc bệnh tay chân miệng đặc biệt là các trường hợp nặng, có biến chứng, từ đó xác định sự lưu hành của týp vi rút gây bệnh và theo dõi sự biến đổi của vi rút.
TS.BS Đỗ Thiện Hải – Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, 3 dấu hiệu sớm cảnh báo bệnh diễn biến nặng gồm:
Sốt cao không đáp ứng với điều trị: Trẻ sốt trên 38,5 độ kéo dài hơn 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt.
Giật mình: Đây là dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh. Chú ý phát hiện triệu chứng này ngay cả khi trẻ đang chơi, quan sát xem tần suất giật mình có tăng theo thời gian hay không.
Quấy khóc dai dẳng kéo dài: Trẻ có thể quấy khóc nhiều, thậm chí là quấy khóc cả đêm không ngủ. Trẻ cứ ngủ khoảng 15-20 phút lại dậy quấy khóc khoảng 15-20 phút rồi lại ngủ tiếp. Nhiều cha mẹ thường giải thích là do bé có các nốt đau miệng nhưng thực tế không phải vậy. Đó là do tình trạng nhiễm độc thần kinh ở giai đoạn rất sớm.