Vì vậy, hiện giáo viên của nhà trường vẫn thực hiện dạy song song cả 3 nội dung. Tuy nhiên, chủ đề chuyên sâu vào môn nào thì sẽ do giáo viên của môn đó phụ trách.
Theo cô Tú, ưu điểm của Chương trình mới đó là không đặt nặng về kiến thức, mà tập trung vào năng lực của HS. Đây là điều rất tốt, hướng vào sự phát triển năng lực, kỹ năng của HS, đồng thời bám sát yêu cầu của Chương trình GDPT 2018 đề ra.
Là môn khoa học gắn liền với thực tiễn đời sống, vì vậy phương pháp giảng dạy của giáo viên cũng cần phù hợp theo chủ đề. Với HS, để học tốt môn này, ngoài việc chăm chú nghe giảng, các em cũng phải chủ động trong việc học, từ việc chuẩn bị bài tập ở nhà theo yêu cầu, HS cũng cần thực hành nhiều hơn thay vì "học vẹt".
“Ở chương trình lớp 6, 7 hầu hết các chủ đề đều khá gần gũi với đời sống. Vì vậy, tôi thường bắt đầu bằng một sự vật, hiện tượng trong đời sống để tạo ra tình huống có vấn đề nhằm kích thích não bộ của học sinh trước khi vào bài học mới”, cô Tú chia sẻ.
Cô Nguyễn Thị Cẩm Tú và học trò Trường THCS Minh Khai (TP Thanh Hóa). |
Sau mỗi bài dạy, cô Tú cũng thường cho học trò vẽ sơ đồ tư duy về nội dung đã học để có cái nhìn tổng quát. Ngoài ra, cô Tú cũng thường xen kẽ trò chơi khi giảng dạy hoặc sử dụng phương pháp hội thảo thuyết trình. Với phương pháp này, HS sẽ chuẩn bị nội dung thảo luận để nảy ra vấn đề, từ đó giáo viên sẽ kết luận.
“Với Chương trình GDPT 2018 không đặt nặng về kiến thức, vì vậy HS hoàn toàn có đủ thời gian để làm bài”, cô Tú nói.
Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Lĩnh - Trường THCS Tố Như thường tận dụng triệt để công cụ hỗ trợ như máy chiếu, ti vi kết hợp nhiều phương pháp khi giảng dạy phân môn Vật lý của môn Khoa học tự nhiên lớp 6.
“Nhìn chung kiến thức của bộ môn Khoa học tự nhiên lớp 6 khá vừa sức với HS, các em cũng hào hứng với môn học. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là có tới 3 giáo viên phụ trách môn học nên kiến thức chưa được liền mạch”, cô Linh chia sẻ.
“Môn Lịch sử và Địa lý giúp em thỏa sức khám phá các nền văn minh từ thuở sơ khai của các nước trên thế giới. Khi học môn này, em cũng rèn luyện các kỹ năng quan trọng như thuyết trình cùng sự tự tin đứng trước đám đông”, em Lê Xuân Bình, lớp 7A, Trường THCS Tố Như chia sẻ.
“Sau hơn 1 năm làm quen và triển khai chương trình dạy môn tích hợp, hầu hết các thầy, cô đã làm quen với công việc này. Nhờ vậy, những khó khăn từng bước được tháo gỡ với sự phân công phù hợp, nhịp nhàng giữa các giáo viên”, cô Trần Thị Tuyết - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Tố Như (Hoằng Hóa, Thanh Hóa).