Đa dạng phương thức hướng nghiệp cho học sinh lớp 12

07/10/2023, 07:26
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nhiều trường THPT tổ chức nhiều hoạt động hướng nghiệp để học trò có thêm kiến thức về ngành nghề mình dự kiến theo học...

Nhằm giảm áp lực cho học sinh lớp 12 trong việc lựa chọn ngành nghề sau khi tốt nghiệp, các trường THPT ngoài việc giảng dạy còn tổ chức nhiều hoạt động hướng nghiệp để học trò có thêm kiến thức về ngành nghề mình dự kiến theo học.

Cân nhắc trong việc chọn ngành

Em Vy Văn Thuấn, học sinh lớp 12, Trường THPT Lộc Bình (huyện Lộc Bình, Lạng Sơn) chia sẻ: “Ngoài việc học, em cũng dành thời gian nghiên cứu các ngành học mình dự kiến. Em thích nghề điện. Vì vậy, em sẽ có hai hướng đi, nếu không đỗ đại học em sẽ chuyển đi học cao đẳng nghề.

Hiện tại, em cũng tham gia một số hoạt động hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh của các trường. Em xác định là nếu không đỗ đại học em sẽ chọn một trường cao đẳng có đào tạo nghề điện”.

Theo Thuấn, sau khi tìm hiểu chi tiết về nghề điện ở các trường, em nhận thấy “đại học không phải con đường duy nhất” để theo đuổi ước mơ. Nếu không đỗ đại học, em có thể đi học cao đẳng, miễn là được đào tạo chuyên nghiệp về lĩnh vực điện và có cơ hội thực hành ngay từ khi học.

Tương tự, nữ sinh Hoàng Lê Vy, học sinh Trường THPT Marie Curie (Hà Nội) chia sẻ, hiện nay, ngoài những tư vấn của nhà trường, gia đình em đã chủ động tìm hiểu một số nghề mà em yêu thích, xu thế phát triển của nghề đó trong tương lai.

Đồng thời, Hoàng Lê Vy tự khám phá bản thân thông qua các bài kiểm tra năng lực như: Cây nghề nghiệp, trắc nghiệm Holland… Từ những kết quả đó, Vy có thêm kênh tham khảo để lựa chọn cho mình nghề nghiệp phù hợp, tránh tình trạng lựa chọn theo cảm tính.

Nhiều năm qua, Trường THPT Nguyễn Đức Cảnh (Thái Bình) đặc biệt chú trọng đến công tác giáo dục hướng nghiệp cho học sinh. Bà Phạm Thị Hải Yến – Bí thư Đoàn trường cho biết: “Trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT, Đoàn trường đã đẩy mạnh hoạt động tư vấn tuyển sinh cho học sinh khối 12, chủ động mời các chuyên gia của các trường đại học, các tập đoàn tuyển sinh du học và lao động hoặc các cựu học sinh thành đạt trong các lĩnh vực nghề nghiệp về trao đổi thông tin, tư vấn cho học sinh trong các buổi chào cờ hoặc tư vấn trực tiếp tại các lớp 12”.

Bên cạnh đó, Trường THPT Nguyễn Đức Cảnh còn lồng ghép công tác hướng nghiệp cho học sinh trong nội dung các môn học; tổ chức tuyên truyền trên Internet, phát triển trên nền Fanpage của nhà trường và các trang tư vấn tuyển sinh, tư vấn nghề.

Nhà trường còn có những biện pháp tâm lí giáo dục để phát hiện và đánh giá những năng lực về nhiều mặt của học sinh, nhằm giúp học sinh chọn nghề có cơ sở vững chắc. Nhà trường cũng từ đó đưa ra những tư vấn nghề nghiệp phù hợp với năng lực của mỗi học sinh.

Để công tác hướng nghiệp hiệu quả, không thể bỏ qua vai trò của đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, thầy cô bộ môn rất quan trọng. Họ là những người sát sao với học trò, hiểu rõ hoàn cảnh, tính cách, tâm tư nguyện vọng của từng em. Từ đó, phân tích, định hướng và khơi dậy những tiềm năng ở mỗi học trò.

Trường THPT chuyên Lào Cai mời chuyên gia về hướng nghiệp cho học sinh. Ảnh: NT ảnh 1
Trường THPT chuyên Lào Cai mời chuyên gia về hướng nghiệp cho học sinh. Ảnh: NT

Nhiều hình thức tư vấn hướng nghiệp cho học sinh

Chia sẻ về vai trò hướng nghiệp của các trường phổ thông, ông Ngô Thanh Xuân - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lào Cai (Lào Cai) cho biết: “Hướng nghiệp là một trong những nội dung quan trọng của nhà trường. Đối với khối 10, 11, nội dung này nằm trong hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp theo Chương trình GDPT 2018.

Riêng khối 12 đang thực hiện theo chương trình 2006 - công tác giáo dục hướng nghiệp được xây dựng nằm trong kế hoạch giáo dục của nhà trường. Trong đó, chúng tôi lồng ghép vào các giờ sinh hoạt lớp, hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm”.

Các chủ đề được trường này lựa chọn hướng nghiệp cho học sinh lớp 12 là chọn ngành, chọn nghề, chọn trường.

Bên cạnh đó, Trường THPT chuyên Lào Cai còn mới chuyên gia về trường tư vấn cho học sinh; phối hợp với một số trường đại học tổ chức ngày hội trải nghiệm và hướng nghiệp; tư vấn các ngành nghề học sinh.

Tương tự, tại Trường THPT DTNT tỉnh Nghệ An (TP Vinh, Nghệ An), song song với tổ chức hoạt động giảng dạy, nhà trường còn lồng ghép tổ chức dạy học môn Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cho học sinh lớp 12.

Bà Nguyễn Thị Kiều Hoa - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Khóa học nào cũng vậy ngay từ khi vào trường chúng tôi sẽ tổ chức phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh để các em lựa chọn khối học theo nhu cầu, năng lực cá nhân. Trong quá trình học lớp 10 và 11, các em cũng được giáo viên, tổ tư vấn hướng nghiệp giới thiệu về các nghề nghiệp, xu thế phát triển các nghề nghiệp trong xã hội hiện nay.

Đến thời điểm này, học sinh lớp 12 cơ bản đã xác định được mình sẽ thi tổ hợp nào, ngành nghề mà các em yêu thích, các trường đại học, cao đẳng dự kiến đăng ký”.

Bên cạnh đó, Trường THPT DTNT tỉnh Nghệ An cũng tổ chức diễn đàn giáo dục hướng nghiệp. Tổ tư vấn hướng nghiệp của nhà trường đã khảo sát nhằm nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của học sinh để có những định hướng cụ thể giúp các em chọn ngành học, nghề học, trường học. Từ đó học sinh có quyết định đăng ký tuyển sinh ở cấp độ phù hợp.

“Hướng nghiệp cung cấp thêm nhiều góc nhìn và nhiều thông tin cho học sinh, phụ huynh trong quá trình lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực cũng như nhu cầu xã hội. Qua đó, học sinh cũng xây dựng được kế hoạch học tập để chinh phục được trường, ngành mình mong muốn”, ông Ngô Thanh Xuân - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lào Cai nói.

Bài liên quan
Tránh 'biến tướng' khi hướng nghiệp
Công tác tư vấn, phân luồng định hướng nghề nghiệp cho học sinh lớp 9 là việc làm thường niên đối với các trường THCS.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đa dạng phương thức hướng nghiệp cho học sinh lớp 12