Về phương thức hoạt động, Trung tâm IOC sử dụng lại dữ liệu hiện có để thống kê, phân tích tập trung và đưa ra các cảnh báo sớm theo thời gian thực, phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Thành phố, các Sở ngành, UBND quận huyện, xã phường và cung cấp thông tin, tiện ích, dịch vụ cho người dân.
Trung tâm IOC thu thập, sử dụng dữ liệu từ 3 nhóm chính: Dữ liệu từ các hệ thống, ứng dụng chính quyền điện tử; dữ liệu từ các hệ thống, ứng dụng quản lý đô thị thông minh và dữ liệu do doanh nghiệp, cộng đồng triển khai.
Từ các nguồn dữ liệu này, Trung tâm IOC thực hiện giám sát, phân tích, đưa ra cảnh báo sớm, cung cấp các nhóm dịch vụ đô thị thông minh, tiêu biểu như: Xử lý góp ý, phản ánh của tổ chức, công dân; cung cấp dịch vụ công và giải quyết các thủ tục hành chính; thông tin trên môi trường mạng; quan trắc môi trường nước, không khí; số liệu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội; hành trình xe cứu thương, cứu hỏa; thu gom, xả, xử lý nước thải; lượng mưa, ngập nước đô thị; hoạt động tàu cá trên biển; thông tin y tế, khám chữa bệnh; phân tích dữ liệu hệ thống camera, Flycam phục vụ quản lý địa bàn và chuyên ngành (tìm người đi lạc, tập trung đông người, cứu nạn cứu hộ...).
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho rằng Trung tâm IOC là mô hình mới, áp dụng công nghệ mới, sử dụng dữ liệu số, đặc biệt là yêu cầu cao về quy trình, nghiệp vụ liên ngành. Sự kiện khai trương, đưa vào hoạt động Trung tâm IOC thể hiện cam kết, quyết tâm cao nhất của lãnh đạo thành phố trong triển khai chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh.
Nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động của Trung tâm IOC, Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng đề nghị các đơn vị, địa phương khi tiếp cận trong triển khai Trung tâm IOC không cầu toàn, nóng vội, vừa làm, vừa điều chỉnh, hoàn thành đến đâu đưa vào sử dụng ngay đến đó, từng bước tối ưu và mở rộng, đảm bảo tuân thủ theo khung kiến trúc, lấy hạ tầng, dữ liệu làm nền tảng, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để đánh giá hiệu quả.