Đa số vệ tinh bị hủy phóng vì lý do thời tiết

Hoài Thu | 07/10/2021, 16:36
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Theo PGS.TS Phạm Anh Tuấn, thời tiết là lý do chính dẫn đến các vụ hủy phóng vệ tinh. Vụ hoãn phóng vệ tinh MicroDragon năm 2019 là ví dụ.

Theo PGS.TS Phạm Anh Tuấn, thời tiết là lý do chính dẫn đến các vụ hủy phóng vệ tinh. Vụ hoãn phóng vệ tinh MicroDragon năm 2019 là ví dụ.

Sáng 7/10, Cơ quan Thám hiểm hàng không vũ trụ Nhật Bản một lần nữa phải hoãn vụ phóng Epsilon-5, tên lửa dự kiến mang theo 9 vệ tinh, trong đó NanoDragon của Việt Nam.

Về nguyên nhân hoãn phóng vệ tinh NanoDragon lần thứ nhất, TS Lê Xuân Huy, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Vệ tinh Quốc gia cho biết do cáp tín hiệu từ angten nhận tín hiệu vệ tinh GPS và bộ điều khiển bị lỏng, tiếp xúc kém. Sau khi phát hiện bất thường, Cơ quan Thám hiểm hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) quyết định hủy phóng.

Nguyên nhân của lần thứ hai vệ tinh bị hoãn phóng là do thời tiết. Khi thả bóng thám không tầng cao, JAXA phát hiện có gió mạnh. “Đây là tên lửa nhỏ, nhẹ nên ảnh hưởng bởi gió mạnh”, TS Lê Xuân Huy nói

PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Trung tâm Vệ tinh Quốc gia cho biết, thời tiết là nguyên nhân chính khiến các vụ phóng vệ tinh bị tạm dừng. Trong công nghệ vũ trụ, phải tuyệt đối an toàn. Bất cứ một bất thường nào được phát hiện cũng phải dừng. Mỗi tên lửa có giá trị khoảng 30 triệu USD, 9 vệ tinh có giá khoảng 70-80 triệu USD, nên phải rất cẩn trọng.

pgs.ts-pham-anh-tuan.jpg
PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Trung tâm Vệ tinh Quốc gia

Lịch phóng tiếp theo có thể sẽ diễn ra trong 1-2 ngày tới. Trong ngày 7/10, Cơ quan Thám hiểm hàng không vũ trụ Nhật Bản sẽ quyết định về thời gian thực hiện vụ phóng mới tên lửa Epsilon-5 mang theo vệ tinh NanoDragon sau khi hoãn vì lý do thời tiết.

Đây không phải là lần đầu tiên vệ tinh của Việt Nam bị lùi thời gian phóng. PGS.TS Phạm Anh Tuấn cho biết, năm 2019, vệ tinh MicroDragon (nặng 50kg) của Việt Nam cũng phải hoãn phóng 1 ngày vì lý do thời tiết. Ngày dự kiến phóng là 17/1/2019 bị lùi sang 18/1/2019.

Hiện Việt Nam đã chế tạo 3 loại vệ tinh là PicoDragon (dưới 1kg), NanoDragon (dưới 10kg) và MicroDragon (dưới 100kg). Với vệ tinh PicoDragon, chỉ cần bay lên, phát được tín hiệu khẳng định vệ tinh đã hoạt động là đã hoàn thành nhiệm vụ. Vệ tinh MicroDragon có hai nhiệm vụ là thử nghiệm công nghệ và đào tạo đội ngũ để làm chủ công nghệ vệ tinh. Vệ tinh NanoDragon có hai nhiệm vụ là senser phát tín hiệu tự động nhận dạng tàu biển và điều chỉnh tư thế vệ tinh trên quỹ đạo.

“Mỗi tàu đi trên biển đều phát tín hiệu chứa thông tin chủng loại tàu, kích thước bao nhiêu. Việt Nam chỉ có các trạm đo nhận tín hiệu đặt ven biển, nhưng không có vệ tinh. Khi công nghệ này thành công, chúng ta có thể phóng nhiều vệ tinh để liên tục cập nhật tín hiệu từ các tàu biển trong vùng biển của Việt Nam”, PGS.TS Phạm Anh Tuấn nói.

NanoDragon được thiết kế hoạt động tối thiểu 6 tháng trong quỹ đạo, nhưng theo tính toán của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam thì vệ tinh có thể hoạt động đến 2 năm.

Ông Tuấn cũng cho biết, dự án xây dựng Trung tâm Vũ trụ Việt Nam tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc sẽ hoàn thành vào năm 2023. Khi hạ tầng kỹ thuật tại đây hoàn thành, Việt Nam sẽ làm vệ tinh lớn hơn. Sẽ có một trung tâm lắp ráp, thử nghiệm vệ tinh lên đến 200kg. Với các vệ tinh nhỏ như NanoDragon sẽ không phải đưa sang Nhật Bản để thử nghiệm như hiện nay nữa mà có thể thực hiện được trong nước.

PGS.TS Phạm Anh Tuấn cho hay, trong chiến lược Khoa học công nghệ của Việt Nam đến năm 2030, Trung tâm Vệ tinh Quốc gia sẽ thực hiện nhiệm vụ xây dựng hệ thống quan sát Trái Đất quốc gia bằng vệ tinh nhỏ. Công việc xây dựng, thiết kế chùm vệ tinh này sẽ do đội ngũ các kỹ sư Việt Nam thực hiện.

Bài liên quan
Ký kết 3 hợp đồng chuyển giao công nghệ liên quan vắc-xin Covid-19
(GDTD) - Chiều 27/7, TS Nguyễn Ngô Quang - Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế cho biết, hiện nay có 3 hợp đồng chuyển giao công nghệ liên quan đến vắc xin Covid-19 với Nga, Mỹ, Nhật đã được ký kết.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đa số vệ tinh bị hủy phóng vì lý do thời tiết