Sở dĩ như vậy vì chúng ăn trái cây dại rụng từ các cây bên bờ sông. Một trong những loại quả phổ biến là Engkabang, còn được gọi là "bơ của Sarawak", thường được sử dụng khi nấu ăn (đặc biệt là nấu cơm) vì có vị béo và bơ.
Đáng nói, loại cây này chỉ ra quả 4-5 năm một lần (hoặc lâu hơn), khiến giá của những con cá Empurau tiêu thụ loại quả này càng trở nên đắt đỏ hơn.
Ngoài ra, cá Empurau rất khó đánh bắt trong tự nhiên, chúng thường được tìm thấy ở thượng nguồn các con sông có dòng chảy xiết, lòng sông gồ ghề và sẽ di cư nếu môi trường sống của chúng bị ô nhiễm.
Cá Empurau cũng mất nhiều thời gian để trưởng thành hoàn toàn (gần 3 năm) và chỉ những con nặng từ 3kg trở lên mới đáng bán vì thịt cá khi đó mới chắc và đặc.
Cá Empurau được đánh bắt từ tự nhiên chắc chắn sẽ có giá cao hơn, nhưng trong bối cảnh tình trạng ô nhiễm đang làm cạn kiệt môi trường sống của chúng, loài cá này đang được nuôi trồng tại Sarawak với sự hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp địa phương.
Bên cạnh đó, một số phía như Hồng Kông (Trung Quốc) cũng đã chủ động nhân giống loài cá này. Tại xứ Cảng Thơm, cá Empurau được cho ăn loại trái cây tương tự như bơ. Trung Quốc đại lục, Singapore và Đài Loan (Trung Quốc) cũng có nhu cầu tiêu thụ cao đối với cá Empurau.
Cá Empurau thường được hấp khi còn nguyên vảy để giữ được độ mọng nước và kết cấu của thịt. Thực khách cũng có thể lựa chọn món cá Empurau nướng, nhưng theo đánh giá chung thì hương vị của cá hấp ngon hơn.
Mọi bộ phận của cá Empurau đều có giá trị nên không có bộ phận nào bị lãng phí. Nếu được tách riêng ra khi chế biến, vảy cá Empurau thường được chiên ngập dầu với gia vị, nom giống như những miếng khoai tây chiên giòn và được dùng như món khai vị.