Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải, Bí thư tỉnh ủy Thái Nguyên. Ảnh: Phạm Thắng
Theo đại biểu Hải, về mức tăng tuổi đối với từng chức danh, đối tượng như dự luật là phù hợp với Bộ luật lao động. Trong đó, dự luật đã chú trọng tới việc quy định các đối tượng đặc thù lao động trong môi trường độc hại, nặng nhọc.
Theo dự thảo luật, việc tăng độ tuổi nghỉ hưu được chia thành 2 nhóm. Nhóm 1 tăng ngay 2 tuổi đối với trung tá, thiếu tá, cấp úy, hạ sĩ quan… Đại biểu cho rằng đây là nhóm các đối tượng đặc thù nghề nghiệp có tuổi nghỉ hưu theo luật hiện hành thấp hơn quy định của Bộ luật lao động cũ 7 tuổi.
Vì vậy, dự thảo luật đề nghị tăng ngay 2 tuổi là phù hợp để bảo đảm độ chênh lệch giữa tuổi nghỉ hưu của nhóm này với độ tuổi nghỉ hưu chung. Nếu tăng theo dự thảo luật, nam sĩ quan cấp úy sẽ có tuổi nghỉ hưu là 55 thay vì 53 như trước. Số tuổi này chênh với tuổi hưu chung 5 tuổi 9 tháng nếu tính tại năm 2023 tuổi hưu chung với nam là 60 tuổi 9 tháng; đến năm 2028 thì độ chênh sẽ là 7 tuổi như trước đây.
Đối với nhóm 2 (thượng tá, đại tá), hiện đang bằng độ tuổi nghỉ hưu quy định tại Bộ luật Lao động cũ (nam 60, nữ 55). Vì vậy, khi Bộ Luật lao động mới tăng tuổi hưu thì nhóm này cũng phải tăng tương ứng để đảm bảo đồng bộ.
Đại biểu Hải đề xuất phương án trung hòa theo hướng chia việc tăng tuổi phục vụ của sĩ quan cấp đại tá, thượng tá trong luật thành 2 bước. Bước 1, tăng ngay khi luật có hiệu lực tuổi phục vụ của nam đại tá, thượng tá lên 60 tuổi 9 tháng và nữ thượng tá lên 1 năm từ 55 lên 56 (tương tự dự thảo luật đề nghị tăng ngay 2 tuổi đối với cấp trung tá, thiếu tá, cấp úy, hạ sĩ quan...). Bước 2, từ các năm sau tăng theo lộ trình 3 tháng với nam và 4 tháng với nữ giống như Bộ Luật lao động.
Phương án trên sẽ không phải lùi mốc tính tuổi nghỉ hưu nên không vi phạm luật và vẫn đạt được kết quả đồng bộ tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ Luật lao động và có tính tới tuổi nghỉ hưu đối với các đối tượng đặc thù.
Đại biểu Hải cho biết Thái Nguyên hiện có 5 đại tá nhưng nữ không có người nào; 105 thượng tá thì có 5 nữ. Việc tăng độ tuổi nghỉ hưu với nữ đại tá và thượng tá sẽ tạo cơ hội bình đẳng về thời gian để các nữ lãnh đạo trong ngành công an có điều kiện phấn đấu sau khi luật ra đời.
Theo đại biểu, sau một thời gian triển khai, số lượng nữ đại tá trên toàn quốc không phải chỉ là 67 người như hiện nay và số lượng cấp tướng cũng không chỉ là 6 người mà sẽ tăng. "Chúng ta hoàn toàn có thể nghĩ rằng sẽ có một nữ thượng tướng là Thứ trưởng Bộ công an trong thời gian tới" - đại biểu Hải nói.
Phát biểu giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết sẽ tiếp thu tất cả ý kiến của các đại biểu, báo cáo Chính phủ, phối hợp với các cơ quan liên quan để tiếp thu, giải trình hoàn thiện dự án luật trình Quốc hội theo đúng quy định của pháp luật.
Các ý kiến của đại biểu Quốc hội lưu ý các nội dung: quy định sĩ quan công an nhân dân được xét thăng cấp bậc hàm từ đại tá lên thiếu tướng phải còn ít nhất đủ 3 năm công tác; quy định các vị trí cấp tướng đối với giám đốc công an các tỉnh, thành phố…; đề nghị cân nhắc một số quy định về tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an như quy định nữ thượng tá tăng 3 tuổi, nữ đại tá tăng 5 tuổi; đề nghị bổ sung quy định về cấp bậc hàm đối với Phó Chủ tịch Quốc hội…