“Phía Trung tâm giải thích là hiện nay Sở GTVT đang kiểm tra, thẩm định, rà soát lại công tác đào tạo lái xe. Họ thông báo như thế từ cuối tháng 3 cơ và đến giờ chúng tôi chưa được đi học thực hành lái xe” - chị Phượng thông tin.
Theo anh L.Q.T (giáo viên dạy thực hành tại một trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe ở TPHCM), từ khi có quy định mới về DAT cũng như thanh tra toàn diện các trường dạy lái xe, các cơ sở chỉ tiếp nhận học viên cầm chừng.
“Xe chạy mang thiết bị DAT ra đường thì phải đúng số xe đăng ký, đúng giáo viên đăng ký. Bây giờ nhiều cơ sở, trung tâm đang trong tình trạng đã lỡ nhận học viên nhưng quá trình chờ đợi học thực hành lâu, dẫn đến việc thời điểm mà học viên đủ điền kiện thi và được cấp GPLX kéo dài lâu hơn dự kiến”- anh T cho hay.
Trong ngày 19/5, phóng viên đã liên hệ với một số trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe tại TPHCM để tìm hiểu vấn đề. Tuy nhiên, bộ phận văn phòng các trung tâm này đều đưa ra nhiều lý do để yêu cầu phóng viên để lại câu hỏi phỏng vấn cho lãnh đạo và sẽ thông tin phản hồi sau.
Hơn 3.000 giáo viên dạy lái xe nghỉ việc
Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Hòa An - Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM cho biết, việc đào tạo và cấp chứng chỉ sơ cấp nghề là việc của trường và nhà nước sẽ thực hiện sát hạch. Việc cấp thẻ DAT cho học viên là do cơ sở và trường phụ trách thực hiện, Sở GTVT không phải là đơn vị cấp thẻ DAT cho học viên.
“Thiết bị và dữ liệu DAT là do phía trường và Cục Đường bộ giám sát. Dữ liệu lưu ở máy chủ của trường, khi học viên học thì dữ liệu sẽ truyền về máy chủ của Cục Đường bộ. Còn Sở GTVT có trách nhiệm duyệt danh sách học viên thi sát hạch bằng cách đối chiếu hai số liệu trên”- ông An cho biết.
Theo lãnh đạo Sở GTVT TPHCM, “vấn đề” đối với các cơ sở dạy lái xe hiện nay là quy định đối với đào tạo thì 1 giáo viên/1 xe ô tô chỉ được phép dạy tối đa 5 học viên/khóa học.
“Theo quy định, một trung tâm/trường có 50% giáo viên cơ hữu thì được hợp đồng thuê thêm 50% giáo viên từ bên ngoài. Nhưng, hiện nay ở TPHCM, dù trường lớn thì thường cũng chỉ có khoảng 100 giáo viên, tức là trong vòng 1 khóa khoảng 4 tháng dạy được khoảng 500 học viên. Nếu theo quy định hiện nay là một giáo viên thực hành chỉ dạy 5 học viên/4 tháng, thì nhà trường sẽ gặp khó khăn về kinh tế vì không đảm bảo doanh thu” - ông Bùi Hòa An cho biết.
Theo ông An, cũng bởi vì quy định như thế nên các trường muốn tuyển thêm học viên thì phải tăng thêm số lượng giảng viên. Trong khi đó, không có trường nào thực tế có khả năng chi trả lương cho vài trăm giáo viên như thế. Vì vậy, các trường phải ký hợp đồng thêm với giáo viên bên ngoài theo hình thức giáo viên chỉ đứng tên (không tham gia dạy học). Việc này giúp các trường được tuyển thêm học viên theo quy định (1 giáo viên thực hành lái xe/5 học viên).
Tất nhiên khi thanh tra và cơ quan công an vào cuộc thì vấn đề này bị cho là có dấu hiệu sai phạm. Tại một số tỉnh, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án “Giả mạo trong công tác”. Do đó, các giáo viên ký hợp đồng theo hình thức đứng tên như đã nêu ở trên đã thôi việc.
“Tình hình chung hiện nay là các trung tâm, các trường đang thiếu giáo viên. Sở GTVT TPHCM đang quản lý 59 trung tâm, trường dạy lái xe. Trong số gần 9.000 giáo viên dạy thực hành lái xe mà Sở GTVT quản lý thì đã có gần 3.000 người nghỉ việc, chiếm đến gần 1/3”- ông Bùi Hòa An nêu thực trạng.