Chủ tịch Hội đồng quản trị Lê Phước Vũ là người được mua nhiều nhất trong nhóm cán bộ lãnh đạo cấp cao.
Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen mới đây công bố danh sách 162 nhân sự trong danh sách tham gia chương trình phát hành cổ phiếu ưu đãi. Công ty chia danh sách này ra làm 7 nhóm theo bậc chức danh.
Tỷ lệ phân bổ cho nhóm cán bộ lãnh đạo cấp cao là 26%. Trong đó, Chủ tịch Hội đồng quản trị Lê Phước Vũ là người được mua nhiều nhất với 10% trong số 5 triệu cổ phiếu sắp phát hành, tương ứng 500.000 cổ phiếu. Sau ông Vũ là ông Trần Ngọc Chu, Phó chủ tịch HĐQT thường trực điều hành và ông Vũ Văn Thanh, Tổng giám đốc lần lượt được mua 400.000 cổ phiếu (tương ứng 8%) và 150.000 cổ phiếu (tương ứng 6%).
"Đại gia đi tu" Lê Phước Vũ - Chủ tịch HĐQT Hoa Sen
Nhóm cán bộ quản trị điều hành cấp cao và cố vấn cấp cao lần lượt được mua 20% và 10%. Nhóm trợ lý cấp cao được mua 23%. Phần còn lại dành cho nhóm quản lý cấp trung và cấp cao.
Theo kế hoạch, Hoa Sen sẽ phát hành 5 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP), tương ứng tỷ lệ 0,81% tổng lượng cổ phiếu đang lưu hành. Giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu, bằng phân nửa so với thị giá cổ phiếu đang giao dịch trên sàn chứng khoán. Trên đồ thị ngày, cổ phiếu HSG vẫn đang trong xu hướng tăng giá dài hạn kể từ tháng 12 năm 2022.
Kết thúc phiên giao dịch hôm nay, cổ phiếu HSG quay đầu giảm sau hai phiên tăng liên tiếp. Chốt phiên, HSG để mất 1,67%, chỉ còn 20.650 đồng/cổ phiếu.
HSG giảm giá trong bối cảnh thị trường chứng khoán có phiên giao dịch khá buồn tẻ. Thị trường giao dịch thận trọng từ khá sớm và VN-Index sau nhịp rung lắc nhẹ quanh ngưỡng 1.230 điểm thì đã chịu lực cung gia tăng, giảm về dưới 1.225 điểm khi kết phiên sáng.
Sau khi chạm mốc 1.223 điểm vào giữa phiên chiều, lực cầu bắt đáy giúp cân bằng chỉ số và trở thành một trong những động lực cho thị trường hồi phục. VN-Index liên tục giằng co, cuối cùng chỉ số kịp đảo chiều xanh nhẹ trên tham chiếu khi đóng cửa.
Kết quả phiên giao dịch ngày 13/8, VN-Index tăng 0,14 điểm (0,01%) lên 1.230,42 điểm, HNX-Index giảm 0,59 điểm (0,25%) về 230,18 điểm, UPCoM-Index giảm 0,21 điểm (0,23%) về 92,79 điểm.
Thị trường hồi phục nhờ lực chính từ cổ phiếu ngân hàng
Đà giảm thanh khoản vẫn chưa dừng lại. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 14,9 nghìn tỷ đồng. Toàn sàn có 162 mã tăng và 234 mã giảm, 88 mã đứng giá.
VCB là mã có ảnh hưởng tích cực nhất đến VN-Index với 2,36 điểm tăng. Ở chiều ngược lại, HPG có tác động tiêu cực nhất khi lấy đi hơn 0,68 điểm của chỉ số chung.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng trở thành điểm tựa lớn nhất đưa VN-Index hồi phục trong phiên chiều nay. Ngoài VCB là động lực chính của thị trường, nhiều cổ phiếu khác tăng khá tốt như PGB tăng 2,5%, HDB tăng 1,6%, ABB tăng 1,3%, VBB tăng 1%, SGB tăng 0,8%, LPB tăng 0,7%,... NAB tăng trần lên 16.200 đồng/cp.
Sắc đỏ bao phủ nhiều mã, nhưng phần lớn cũng chỉ giảm nhẹ, với SSB dẫn đầu cũng chỉ giảm 2,1% xuống 21.300 đồng, HPG mất 1,7% xuống 25.400 đồng, các mã BVH, TCB, VIB, GAS, POW giảm 1,2% đến 1,5%.
Theo Khối phân tích của Chứng khoán VNDirect, lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp niêm yết trong quý II đã tăng trưởng trên 20% so với cùng kỳ, vượt mức dự báo của thị trường trước đó là 5-10%.
Sau nhịp điều chỉnh mạnh, định giá của thị trường cũng về mức hấp dẫn hơn khi P/E của VN-Index đã có thời điểm chạm mức -1 độ lệch chuẩn, từ đó kích thích dòng tiền “bắt đáy” nhập cuộc.
Với những biến động trên thị trường tài chính trong nước và quốc tế vừa qua, VNDirect đưa ra quan điểm tích cực với triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong trung hạn từ 6-12 tháng. Yếu tố hỗ trợ cho thị trường bao gồm kết quả kinh doanh tích cực trong quý II, dự báo lợi nhuận toàn thị trường có thể tăng trưởng 18% trong năm nay.