Đại học dành cho người già muốn "hồi xuân": Con đưa mẹ đi học, giảng viên bằng nửa tuổi sinh viên, "tỷ lệ chọi" mới gây bất ngờ

Kim Linh, | 30/06/2023, 00:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Lớp học dành cho người cao tuổi tại Trung Quốc có vô số những điều thú vị: sinh viên tóc bạc lén ăn vặt trong giờ học, thậm chí còn vừa thưởng trà vừa nghe giảng.

Đại học “vừa học, vừa giải trí” cho người già

Cô gái Giao Linh (Trung Quốc) vừa gây sốt khi chia sẻ về cuộc sống “hồi xuân” của mẹ từ khi học trường Đại học dành cho người cao tuổi. Vai trò mẹ và con đã có sự thay đổi thú vị khi Giao Linh hàng ngày phải đưa người mẹ 58 tuổi đi học, nhắc nhở bà ngừng “đi muộn về sớm” vì muôn vàn lý do khác nhau mỗi ngày.

Bà Giang, mẹ của Giao Linh cũng giống như nhiều người phụ nữ cùng thế hệ, dành hết tâm sức và thời gian cho gia đình mà ít nghĩ đến bản thân. Sau khi nghỉ hưu vào năm 2018, có nhiều thời gian rảnh hơn nhưng bà không biết phải làm gì mỗi ngày. Vậy nên 2 năm sau đó, Giao Linh đã đăng ký cho mẹ vào một trường đại học cho người cao tuổi. Ngày còn trẻ, bà Giang chỉ học hết cấp 3, đại học với bà là một ước mơ thiêng liêng, xa vời.

Đại học dành cho người già muốn hồi xuân: Con đưa mẹ đi học, giảng viên bằng nửa tuổi sinh viên, tỷ lệ chọi mới gây bất ngờ - Ảnh 1.

Đại học dành cho người già muốn hồi xuân: Con đưa mẹ đi học, giảng viên bằng nửa tuổi sinh viên, tỷ lệ chọi mới gây bất ngờ - Ảnh 2.

Các lớp học thực hành dành cho người cao tuổi. Ảnh: China Daily

Đại học dành cho người cao tuổi không phải điều mới lạ tại đất nước tỷ dân. Tính đến cuối năm 2022, đã có 30 chi nhánh đại học người cao tuổi cấp tỉnh của Đại học Mở Quốc gia Trung Quốc và nhiều cơ sở chuyên biệt dành cho người cao tuổi. Đầu năm nay, Đại học Người cao tuổi Quốc gia Trung Quốc chính thức được thành lập tại thủ đô Bắc Kinh.

Việc thành lập những cơ sở giáo dục này giúp người già vừa giải trí vừa học tập để cải thiện trí nhớ, có cơ hội rèn luyện sức khoẻ và bớt cô đơn. Nhiều người cao tuổi cho biết trường học giúp cuộc sống hưu trí của họ “nhiều màu sắc và ý nghĩa hơn”, giúp học thực hiện được những mong muốn dang dở khi còn trẻ.

Nơi người cao tuổi “hồi xuân”

Tuy vậy, để học những ngôi trường này cũng không hề dễ dàng vì chỉ khoảng một nửa người đăng ký trúng tuyển. Bà Giang lựa chọn chuyên ngành thơ và nhạc kịch truyền thống, tỷ lệ chọi “dễ thở” hơn nên may mắn đỗ. Giao Linh là người đưa mẹ đi học, hướng dẫn các hoạt động và đóng học phí cho bà.

Sĩ số lớp học của bà Giang khoảng 60 người, nam giới chiếm 1/3. Chủ nhiệm lớp người phụ nữ này là một cô gái khoảng 30 tuổi, rất dịu dàng với sinh viên lớn gấp đôi tuổi mình. Điều cô giáo này đau đầu mỗi ngày là nhiều sinh viên vắng mặt vì những lý do lạ lùng: trời mưa, du lịch cùng gia đình hoặc đơn giản là muốn ở nhà chơi với cháu.

Trong lớp bà Giang nhiều sinh viên thoải mái thể hiện cá tính. Họ vừa học vừa bày ấm trà lên bàn uống trà, có người lén ăn vặt, cũng có bạn học đan len trong lúc nghe giảng. Những lớp học buổi chiều luôn nghe thấy rõ tiếng ngáy ngủ vì người cao tuổi thường có giấc ngủ trưa dài. Bà Giang mỗi lần nhắn tin cho con gái sẽ bị Giao Linh nhắc nhở không được nghịch điện thoại trong lớp.

“Đại học dành cho người cao tuổi giống như lớp học dựa theo sở thích, tôi cảm thấy việc đi học dễ dàng. Ở tuổi này, học tập là để vui”, bà Giang chia sẻ.

Đại học dành cho người già muốn hồi xuân: Con đưa mẹ đi học, giảng viên bằng nửa tuổi sinh viên, tỷ lệ chọi mới gây bất ngờ - Ảnh 3.

Lớp học Đại học hàng ngày của những người cao tuổi. Ảnh: Toutiao

Bà Giang thường đến lớp muộn vì mất nhiều thời gian chọn trang phục chỉn chu, tươm tất trước khi đi học. Nhiều người bạn khen bà Giang nhìn trẻ hơn tuổi thật và điều đó làm người phụ nữ này rất vui, cố gắng làm đẹp cho bản thân hơn mỗi ngày.

Người cao tuổi cũng có môn học yêu thích và cả những môn học chán ngán. Ví dụ như bà Giang từng tự ti về giọng hát nên luôn sợ phải lên sân khấu biểu diễn trong lớp nhạc kịch. Nhưng ngược lại, khi đến lớp học đánh giá thơ yêu thích, bà sẽ không bỏ lỡ buổi học nào, chăm chỉ học hỏi kiến thức hồi trẻ bỏ lỡ.

Đại học dành cho người già muốn hồi xuân: Con đưa mẹ đi học, giảng viên bằng nửa tuổi sinh viên, tỷ lệ chọi mới gây bất ngờ - Ảnh 4.

Dàn hợp xướng bà Giang tham gia. Ảnh: Toutiao

Điều thay đổi rõ nhất sau khi người phụ nữ 58 tuổi này đi học là bà đã có nhiều bạn bè hơn. Bà tham gia một dàn hợp xướng cùng những người bạn, có cả lịch luyện giọng mỗi tuần. Trước đây, bà chưa bao giờ học nhạc lý, kỹ năng xướng âm hay kiểm soát hơi nay không chỉ được đào tạo bài bản, còn có cơ hội biểu diễn trước đám đông khán giả.

Đại học mở ra cho bà Giang một thế giới hoàn toàn mới và nhiều điều thú vị hơn cuộc sống ngày trước rất nhiều. Giao Linh cũng nhận thấy sự thay đổi của mẹ mình. Bà Giang giờ đây dành hết tâm huyết cho việc học, lúc nào cũng hạnh phúc và tràn đầy năng lượng.

Theo Toutiao, China Daily

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đại học dành cho người già muốn "hồi xuân": Con đưa mẹ đi học, giảng viên bằng nửa tuổi sinh viên, "tỷ lệ chọi" mới gây bất ngờ