(GDTĐ) - Ngày 24/7, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) công bố điều chỉnh mức điểm sàn xét tuyển theo phương thức đánh giá năng lực năm 2025 cho hai ngành học được mệnh danh là “vua của mọi ngành” — Thiết kế vi mạch và Công nghệ bán dẫn.
Theo thông báo mới, điểm sàn của hai ngành trên, theo phương thức xét tuyển từ kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM, được điều chỉnh từ mức 850 điểm xuống còn 765 điểm. So với công bố trước đó vào ngày 17/7, mức giảm là khá đáng kể. Quyết định hạ điểm sàn này được nhà trường đưa ra dựa trên Quyết định số 2101 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 22/7, trong đó điều chỉnh một số điều kiện đầu vào cho chương trình đào tạo đại học và sau đại học trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Cụ thể, Bộ đã bỏ yêu cầu thí sinh phải đạt tối thiểu 8 điểm môn Toán và tổng điểm ba môn theo tổ hợp từ 24 điểm trở lên mới đủ điều kiện đăng ký xét tuyển vào các ngành này.
Mặc dù điều chỉnh điểm sàn, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên vẫn duy trì các tiêu chí khắt khe nhằm đảm bảo chất lượng đầu vào. Đối với phương thức xét tuyển dựa vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, thí sinh cần thỏa các điều kiện như: tổ hợp xét tuyển bắt buộc có môn Toán và ít nhất một trong các môn Vật lý, Hóa học hoặc Tin học; nằm trong nhóm 25% thí sinh có điểm tổ hợp xét tuyển cao nhất toàn quốc (tối thiểu tương ứng 20,1 điểm với tổ hợp A01); đồng thời thuộc nhóm 20% thí sinh có điểm môn Toán cao nhất cả nước với điểm tối thiểu là 6,5.
Đối với phương thức xét tuyển dựa trên kỳ thi đánh giá năng lực năm 2025, thí sinh phải có điểm trung bình cộng môn Toán của ba năm THPT (lớp 10, 11, 12) đạt từ 8,0 trở lên. Bên cạnh đó, điểm đánh giá năng lực quy đổi sang điểm thi THPT phải tương ứng với nhóm 25% thí sinh có điểm tổ hợp xét tuyển cao nhất cả nước, tức là tương đương 20,1 điểm tổ hợp A01 theo chuẩn đối sánh phổ điểm của Bộ GD&ĐT.
Hai ngành Thiết kế vi mạch và Công nghệ bán dẫn được xem là lĩnh vực chiến lược trong thời gian tới. Theo các chuyên gia và doanh nghiệp trong ngành công nghiệp vi mạch, hiện nay Việt Nam mới chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu nhân lực cho lĩnh vực này. Dự kiến đến năm 2030, cả nước sẽ cần khoảng 50.000 kỹ sư làm việc trong ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, trong đó riêng ngành thiết kế vi mạch cần thêm từ 12.000 đến 15.000 kỹ sư.
Việc hạ điểm sàn được đánh giá là bước đi phù hợp nhằm mở rộng cơ hội tiếp cận cho nhiều thí sinh có năng lực, trong khi vẫn giữ vững tiêu chí chất lượng đầu vào để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành công nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam.