Đại học Thái Nguyên không ngừng khẳng định sứ mệnh của một đại học vùng "thực hiện nhiệm vụ quốc gia, chiến lược phát triển vùng cho đất nước".
Đại học Thái Nguyên được thành lập theo Nghị định số 31/CP ngày 4/4/1994 của Chính phủ trên cơ sở sắp xếp và tổ chức lại các trường trên địa bàn thành phố Thái Nguyên, nhằm hình thành một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tiên tiến trong các lĩnh vực khoa học giáo dục, khoa học xã hội và nhân văn, nông lâm ngư nghiệp, y tế, kinh tế và quản lý, công nghiệp, công nghệ thông tin và truyền thông; nơi tư vấn và phản biện các chính sách phát triển nhằm đóng góp cho sự nghiệp phát triển bền vững kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Năm 1994, Đại học Thái Nguyên được thành lập trên cơ sở sắp xếp và tổ chức lại 4 trường đại học thành viên (Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc, Trường Đại học Nông nghiệp 3 Bắc Thái, Trường Đại học Công nghiệp Thái Nguyên, Trường Đại học Y Bắc Thái) và Trường Công nhân Cơ Điện Việt Bắc.
Với lợi thế tập hợp các nguồn lực từ các đơn vị thành viên thành nguồn lực chung, Đại học Thái Nguyên đã nhanh chóng phát triển thêm một số đơn vị mới. Đến nay, Đại học Thái Nguyên đã có 7 trường đại học; 1 cao đẳng thành viên; 2 trường, khoa trực thuộc; 2 phân hiệu đào tạo tại tỉnh Lào Cai và Hà Giang; Nhà xuất bản và Tạp chí Khoa học và công nghệ; 12 trung tâm phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học. Các trường đại học thành viên có 6 Viện nghiên cứu, 1 Bệnh viện thực hành và nhiều trung tâm nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ.
Đại học Thái Nguyên đã không ngừng phát triển và hoàn thiện theo mô hình đầy đủ của một Đại học Vùng, quản lý thống nhất, điều hành toàn diện và phân cấp hợp lý cho các trường đại học thành viên, đơn vị trực thuộc nhằm phát huy tính tự chủ, năng động, sáng tạo của các đơn vị trong quá trình phát triển.
TS Lục Quang Tấn – Giám đốc Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Hà Giang cho biết: Thành lập Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Hà Giang là một bước tiến trong thực hiện sứ mệnh của Đại học Thái Nguyên, góp phần quan trọng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu, mục tiêu phát triển tỉnh Hà Giang nhanh và bền vững.
Đến nay, Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Hà Giang đang đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương và các tỉnh lân cận, đặc biệt trong các ngành như Sư phạm, Nông nghiệp, Du lịch, Kinh tế... với gần 1100 sinh viên của 11 ngành đào tạo.
Bên cạnh đó, Phân hiệu còn đào tạo sau đại học, đào tạo liên thông và các khóa bồi dưỡng ngắn hạn cho hơn 3000 học viên, góp phần nâng cao trình độ người lao động địa phương. Hợp tác với các sở, ban, ngành và doanh nghiệp của địa phương đào tạo theo nhu cầu thực tiễn.
Ngoài ra, Phân hiệu còn thực hiện các đề tài nghiên cứu ứng dụng, tập trung vào bảo tồn văn hóa dân tộc, du lịch sinh thái...với 2 đề tài cấp Bộ; 1 đề tài cấp Đại học và 9 đề tài cấp Phân hiệu; 4 sách Bài trừ, xóa bỏ hủ tục; 2 sách giáo khoa Giáo dục địa phương tỉnh Hà Giang.
Nhờ những đóng góp này, Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Hà Giang đã trở thành một trung tâm đào tạo và nghiên cứu quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
PGS.TS Phùng Trung Nghĩa - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông cho hay: Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông là một trường đại học thành viên của Đại học Thái Nguyên, chuyên về đào tạo nguồn nhân lực số, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực liên quan đến chuyển đổi số cho cả nước.
Dưới sự định hướng, quản lý của Đại học Thái Nguyên các cơ sở giáo dục thành viên nói chung và Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông nói riêng đã và đang có nhiều đóng góp quan trọng trong nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học chuyển giao công nghệ và giải quyết những vấn đề cấp thiết cho sự phát triển của các địa phương, doanh nghiệp trong khu vực Trung du miền núi Bắc Bộ và cả nước.
"Riêng Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông với lợi thế hơn 20 năm đào tạo về công nghệ thông tin và truyền thông, nhà trường đã đào tạo ra rất nhiều kỹ sư Công nghệ thông tin và các lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật, kinh tế, quản trị, nghệ thuật, truyền thông trên nền tảng số góp phần cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao tại địa phương và trên cả nước". PGS.TS Phùng Trung Nghĩa cho biết thêm.
Mặc dù ra đời trong bối cảnh đất nước có nhiều khó khăn, cơ sở vật chất phục vụ cho đào tạo, nghiên cứu khoa học, sinh hoạt còn lạc hậu, thiếu đồng bộ, đội ngũ cán bộ còn thiếu về số lượng, chưa đồng đều về trình độ, nhưng dưới sự lãnh đạo tâm huyết, sáng suốt của Đảng ủy, Hội đồng, Ban Giám đốc Đại học Thái Nguyên qua các thời kỳ cùng sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Bộ, Ban, ngành Trung ương; sự hợp tác, giúp đỡ có hiệu quả của các địa phương, cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước, Đại học Thái Nguyên đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt, khẳng định sự đúng đắn của Đảng và Chính phủ trong việc thành lập các Đại học Vùng, góp phần đắc lực vào phát triển kinh tế - xã hội của khu vực và đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.