Theo ông Landovsky, hệ thống chính trị của Ukraine cũng phải “khớp” với hệ thống chính trị của các thành viên trong khối. Nhà ngoại giao này nói thêm rằng điều đó cuối cùng sẽ tùy thuộc vào việc Kiev quyết định khi nào cuộc xung đột với Nga kết thúc.
Tại hội nghị thượng đỉnh ở Vilnius vào giữa tháng 7, khối liên minh quân sự gồm 31 thành viên đã xác nhận Ukraine sẽ được gia nhập NATO vào một thời điểm chưa xác định trong tương lai, nhưng chỉ sau khi xung đột với Nga kết thúc.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chỉ trích NATO vì điều mà ông cho là “sự thiếu quyết đoán” và chỉ ra việc thiếu lộ trình gia nhập rõ ràng. Theo Washington Post, những tuyên bố của ông Zelensky đã khiến Mỹ tức giận và cân nhắc việc rút lại “lời mời” của Kiev gia nhập khối.
Một bài báo gần đây của The Guardian, trích dẫn cuốn sách sắp xuất bản của nhà báo Mỹ Franklin Foer, nói rằng ông Zelensky đã thúc ép Mỹ đồng ý cho Ukraine trở thành thành viên NATO từ lâu trước khi xung đột với Nga nổ ra.
Cuộc gặp năm 2021 giữa Tổng thống Biden và ông Zelensky được cho là đã kết thúc với việc nhà lãnh đạo Ukraine “chọc giận” tổng thống Mỹ với những yêu cầu mà Foer mô tả là đánh giá “vô lý” về triển vọng gia nhập NATO của Ukraine.
Moscow đã nhiều lần tuyên bố việc Ukraine gia nhập NATO là mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh quốc gia Nga. Moscow cũng coi quy chế trung lập của Kiev là một trong những điều kiện để kết thúc chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Kiev đã bác bỏ các điều kiện của Moscow và yêu cầu quân đội Nga rút khỏi tất cả các vùng lãnh thổ mà Ukraine coi là của nước này, bao gồm Crimea và 4 khu vực đã sáp nhập vào Nga sau cuộc trưng cầu ý dân vào mùa thu năm 2022.