“Cái khó nhất của Trung tâm là biên chế giáo viên. Hiện nay, Trung tâm chỉ có 12 giáo viên, khi triển khai dạy học, chúng tôi sẽ hợp đồng giáo viên các trường THPT. Chúng tôi sẵn sàng nhận học sinh khi các em đến nộp hồ sơ cho đến khi đủ chỉ tiêu, không kể địa phương nào” - ông Anh nói.
Theo ông Anh, năm học 2023-2024, Trung tâm sẽ mở 6 lớp với 270 chỉ tiêu. Tuy nhiên, đến ngày 9/8, đơn vị này mới chỉ nhận chưa tới 150 hồ sơ.
Trung tâm GDNN-GDTX TP Buôn Ma Thuột (ảnh: TT). |
Còn theo ông Lê Nguyên Trường - Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX Ea Kar, cái khó là việc định hướng từ các trường THCS trong phân luồng học sinh. Như đơn vị ông, dư giáo viên nhưng không tuyển được học sinh.
“Trung tâm có 12 biên chế giáo viên, nhưng chỉ có 9 lớp học cấp THPT. Trong đó tuyển sinh năm học 2023-2024 mới được 90 em (tương đương 2 lớp). Trong khi đó, số học sinh dư sau tuyển sinh các trường THPT khoảng hơn 400 em”, ông Trường nói.
Lý giải thêm về vấn đề này, ông Trường, ông Anh cho rằng, nguồn tuyển sinh của Trung tâm là không ổn định, nên định mức giáo viên phải tính theo môn học chứ không thể theo đầu học sinh.
“Thực tế, một số em cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận chương trình THPT dẫn đến nguy cơ bỏ học cao. Hằng năm, đơn vị có từ 20 - 30% học sinh hệ THPT bỏ học vì bị ‘ngợp’, không theo kịp chương trình. Vì thế, việc định hướng để các em học nghề là việc cấp thiết của các trường THCS và gia đình”, ông Trường nói thêm.
Theo thống kê, trong số 6.615 em không trúng tuyển lớp 10 các trường THPT tại Đắk Lắk, sẽ có 3.685 em nằm trong chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 hệ GDTX của các Trung tâm GDNN-GDTX các huyện, thị xã, thành phố và các trường trung cấp, cao đẳng nghề trên địa bàn tỉnh.