Sáng 21/5, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc chủ trì hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Bộ GD&ĐT tới các điểm cầu gồm sở GD&ĐT, trường đại học ở các địa phương. Tham dự trực tiếp có đại diện các vụ/cục trực thuộc Bộ GD&ĐT, lãnh đạo một số cơ sở giáo dục đại học, đơn vị liên quan.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh, việc lấy ý kiến cho dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân; huy động trí tuệ, tâm huyết và tạo sự đồng thuận, thống nhất cao của toàn dân; đảm bảo Hiến pháp phản ánh đúng ý chí, nguyện vọng của nhân dân.
Ngày 8/5, Bộ GD&ĐT đã ban hành Kế hoạch 524 tổ chức lấy ý kiến trong phạm vi ngành Giáo dục về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 bảo đảm dân chủ, khoa học, công khai, minh bạch; đảm bảo tiến độ, chất lượng và tiết kiệm với các hình thức đa dạng, tăng cường ứng dụng CNTT. Duy trì sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan.
Từ thực tế giảng dạy, TS Nguyễn Thị Tình – Trưởng khoa Luật, Trường Đại học Thương mại nhìn nhận, đối với quy định về Công đoàn Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) trong dự thảo là phù hợp trong giai đoạn hiện nay để thể hiện vai trò làm chủ của nhân dân. Ghi nhận MTTQVN là bộ phận của hệ thống chính trị do Đảng lãnh đạo, nâng cao vai trò của các tổ chức chính trị xã hội của nhân dân.
Điều giảng viên này băn khoăn là vấn đề giám sát, phản ánh/kiến nghị có nên để trong Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hay không. Hiến pháp chỉ nên giữ nội dung về vị trí, vai trò, cơ chế phối hợp giữa MTTQVN với các tổ chức, đoàn thể khác. Còn cách thức triển khai, cơ chế hoạt động của MTTQVN thì nên thể hiện trong văn bản dưới Hiến pháp - tức luật.
Khẳng định tầm quan trọng của Hiến pháp, ông Trần Văn Đạt – Phó Vụ trưởng Vụ Học sinh sinh viên, Bộ GD&ĐT cho biết, những thay đổi ở điều 9, điều 10 trong dự thảo nhấn mạnh tới vai trò lãnh đạo của Đảng với MTTQVN là rất đúng đắn. Khoản 2, Điều 9 quy định Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn TNCS HCM, Hội LHPN Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam trực thuộc MTTQVN là phù hợp chủ trương chung.
Từ điểm cầu Trường Đại học Cần Thơ, ông Phan Trung Hiền – Trưởng khoa Luật cho hay, nhà trường đã ban hành kế hoạch để triển khai văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT tới các đơn vị trong toàn trường. Đồng thời tiến hành tuyên truyền trên website nhà trường, tổ chức tọa đàm ở Khoa Luật để lấy ý kiến của giảng viên, nhà khoa học cho dự thảo quan trọng này.
Về cơ bản, ông Phan Trung Hiền đồng tình cao với việc đặt tên gọi trong các cơ quan trong bộ máy nhà nước để hoạt động đúng theo chức năng nhiệm vụ như cải cách hệ thống tòa án, viện kiểm sát, cơ quan hành chính từ xã – tỉnh – Trung ương.
"Đặc biệt, ở Khoản 2, Điều 115 về chất vấn trả lời chất vấn, cụm từ 'chất vấn' nghĩa là hỏi thế nào để cho ra bản chất, nguồn gốc của vấn đề và có sức nặng hơn so với câu hỏi đơn thuần. Theo tôi, ban soạn thảo nên đổi thành 'chất vấn và giải trình chất vấn' thay vì 'trả lời chất vấn' để nâng cao trách nhiệm của chủ thể được chất vấn" - ông Hiền kiến nghị.
Ngoài ra, vị giảng viên đến từ Trường Đại học Cần Thơ cũng đề cập đến cách ghi dấu, thanh điệu trong các từ có hai nguyên âm đi cùng nhau. Ví dụ, từ "hòa" thì dấu huyền nên được đặt ở chỗ mình cần nhấn là "hoà". Về tên gọi của văn bản sửa đổi lần này nên để là Hiến pháp sửa đổi thay vì "Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp"...
Trong khi đó, ông Tạ Ngọc Trí - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông cho rằng, các điều khoản về MTTQVN, dự thảo đang đề cập việc 5 tổ chức chính trị xã hội như nêu trên trực thuộc MTTQVN cũng có nhiều ý kiến băn khoăn. Hiện họ vẫn là các tổ chức thành viên nhưng sắp tới sẽ phụ thuộc nhiều hơn và chịu sự quản lý của MTTQVN. Theo ông Trí, nên thay bằng cụm từ "nằm trong" MTTQVN sẽ hài hòa hơn.
Ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến góp ý của các đại biểu dự họp trực tiếp cũng như ở các điểm cầu trực tuyến cho dự thảo này, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh, đây đều là những trao đổi thắng thắn, mang tính thực tiễn cao và phù hợp với chủ trương chung của Đảng, Nhà nước ta trong bối cảnh tình hình mới.
Dưới góc nhìn của các nhà quản lý giáo dục, các đại biểu góp nhiều ý kiến về mặt câu từ, ngữ nghĩa trong dự thảo. Hiến pháp là văn bản pháp lý cao nhất, thể hiện đúng mong muốn của nhân dân, của Đảng và Nhà nước trong xây dựng, phát triển đất nước. Đặc biệt, sự ổn định của các ngành khi áp dụng mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
Thứ trưởng đề nghị các đơn vị thuộc/trực thuộc Bộ GD&ĐT, các sở GD&ĐT, cơ sở giáo dục đại học tổ chức lấy ý kiến theo hướng dẫn của cấp trên; bám sát các yêu cầu, đảm bảo tiến độ để tổng hợp ý kiến góp ý gửi về Bộ GD&ĐT. Các trường cần ứng dụng CNTT, tổ chức lấy ý kiến cho dự thảo dưới nhiều hình thức nhằm tạo thuận lợi cho người dân.
"Bảng so sánh nên được thiết kế thành 3 cột: Quy định hiện hành; dự kiến nội dung cần sửa đổi; lý do để giải thích cho rõ ý kiến sửa đổi, bổ sung. Sau khi tổng hợp được những ý kiến góp ý, các đơn vị cần xây dựng báo cáo gửi về cho đầu mối của Bộ GD&ĐT là Vụ Pháp chế. Mục tiêu là đảm bảo chất lượng, tiến độ việc lấy ý kiến góp ý cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 2013", Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc yêu cầu.