Dân chủ trong trường học: Hội đồng trường… tồn tại hay không?

22/11/2023, 06:33
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Điều lệ trường học yêu cầu trường phổ thông thành lập Hội đồng trường gồm các thành phần khác nhau, trong đó có người ngoài nhà trường và HS.

Điều này nhằm tạo ra môi trường quản lý đa nguyên và tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào việc xây dựng, phát triển trường.

Tăng giám sát từ cộng đồng

Trong quy định về trường chuẩn quốc gia và kiểm định trường phổ thông, các trường phải thành lập Hội đồng trường. Theo đó, Hội đồng trường gồm ban giám hiệu, chủ tịch công đoàn, tổ trưởng chuyên môn, đại diện cha mẹ học sinh và học sinh. Mỗi năm, Hội đồng trường họp 3 lần, vào đầu năm học, cuối học kỳ I và kết thúc năm học.

Thầy Võ Đăng Chín - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học & THCS Trà Nam (Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) nhận xét: “Nhiều ý kiến cho rằng, hoạt động của Hội đồng trường ở các trường phổ thông gần giống chức năng của Hội đồng liên tịch, chỉ khác là phải làm thêm một bộ sổ sách, hồ sơ tài liệu.

Thực ra, trong trường học không hề có cái gọi là liên tịch hay Hội đồng liên tịch. Với nhiều hiệu trưởng, để đảm bảo sự dân chủ trong trường học thì một số nội dung sẽ mở rộng cuộc họp có sự tham gia của chủ tịch công đoàn, tổng phụ trách, kế toán. Trong khi đó, Hội đồng trường còn có đại diện chính quyền địa phương, học sinh và phụ huynh. Như vậy, tính chất hoàn toàn khác nhau”.

Sự tham gia của đại diện địa phương, học sinh và phụ huynh vào thành phần của Hội đồng trường tạo ra môi trường quản lý đa nguyên và tăng cường sự tham gia của toàn bộ cộng đồng vào việc xây dựng, phát triển trường.

Chia sẻ thông tin, bà Lê Thị Hoàng Chinh - Trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Khê (TP Đà Nẵng) cho biết: “Trong hoạt động của trường phổ thông, việc phối hợp với địa phương rất quan trọng. Hội đồng trường có vai trò giám sát hoạt động của nhà trường.

Ngoài chiến lược phát triển nhà trường, kế hoạch giáo dục thì các chủ trương liên quan đến công tác tài chính như tài trợ giáo dục cũng phải thông qua Hội đồng trường phê duyệt. Có thể hình dung vai trò của Hội đồng trường ở trường học hiện nay như chức năng của Hội đồng nhân dân”.

Hiện, đại diện địa phương của Hội đồng trường Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học & THCS Trà Nam là Phó Chủ tịch UBND xã Trà Nam. Tuy nhiên, với các trường tiểu học, THCS tại Đà Nẵng, đại diện địa phương tham gia Hội đồng trường là trưởng, phó các ban có liên quan đến giáo dục của UBND quận/huyện.

Nếu có vấn đề phát sinh trong hoạt động nhà trường, thành viên đại diện chính quyền địa phương sẽ báo cáo lại với phó chủ tịch UBND quận, huyện phụ trách lĩnh vực văn hóa – xã hội. Với trường học thực hiện công tác kiểm định trước năm 2020, đang tiến hành kiện toàn lại tổ chức Hội đồng trường, trong đó đại diện địa phương sẽ thay thế từ cấp xã, phường thành quận, huyện.

Thầy Võ Thanh Phước - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho rằng, điều chỉnh này cần thiết vì gần như phê duyệt kinh phí, nhân sự, hoạt động giáo dục… các trường học đều do cấp quận/huyện quyết định.

Sự tham gia của đại diện phòng, ban cấp quận/huyện như phòng Nội vụ, GD&ĐT, Thanh tra, Tài chính, Xây dựng… sẽ hỗ trợ tốt cho các hoạt động giáo dục trường học. Ở góc độ đảm bảo dân chủ trong trường học, sự tham gia của đại diện chính quyền cấp quận/huyện đối với trường THCS, tiểu học sẽ tăng thêm vai trò giám sát của Hội đồng trường.

Thầy Võ Thanh Phước - Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ tặng hoa chúc mừng Đại hội Liên đội nhiệm kỳ 2023 – 2024. (Ảnh: PV)
Thầy Võ Thanh Phước - Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ tặng hoa chúc mừng Đại hội Liên đội nhiệm kỳ 2023 – 2024. (Ảnh: PV)

Khai thác hết vai trò?

Thầy Võ Đăng Chín khẳng định: “Ở nhiều trường học, bí thư chi bộ cũng đồng thời là hiệu trưởng nhà trường. Vì vậy, quyền lực của hiệu trưởng rất lớn bởi “nắm giữ” cả chính quyền và công tác Đảng. Hội đồng trường sẽ là “khắc tinh” để hạn chế tình trạng mất dân chủ trong trường học. Với các trường ngoài công lập và trường tự chủ tài chính thì vai trò của Hội đồng trường càng quan trọng”.

Tuy nhiên, với những trường học ở vùng khó, theo thầy Chín, Hội đồng trường khó phát huy hết vai trò. “Các trường học vùng khó không có nhiều vấn đề phải tham vấn Hội đồng trường, chủ yếu là hoạt động dạy học.

Chế độ, chính sách của học sinh thực hiện theo các quy định hiện hành; các khoản thu như quỹ hội phụ huynh gần như không đáng kể, chỉ phục vụ cho học sinh làm báo tường, hỗ trợ kinh phí diễn văn nghệ là chủ yếu. Với nội dung tài trợ giáo dục, hầu hết đều kêu gọi hỗ trợ từ nhà hảo tâm, câu lạc bộ đội, nhóm nên nhà trường không thể chủ động trong xây dựng kế hoạch”, thầy Chín phân tích.

Về vấn đề này, bà Lê Thị Hoàng Chinh cho rằng, vai trò và hoạt động của Hội đồng trường cần thiết và quan trọng. Vấn đề mỗi nhà trường phát huy, khai thác hết vai trò của các thành phần trong Hội đồng trường hay chưa mới là câu chuyện đáng bàn.

“Ví dụ có ý kiến cho rằng, trong thành phần Hội đồng trường, học sinh tham gia chỉ là hình thức. Nhưng trong nhiều hoạt động nhà trường, cần có tiếng nói của người học để có thể điều chỉnh, bổ sung hình thức tổ chức hoạt động trải nghiệm, hội diễn văn nghệ, thể thao... phù hợp nguyện vọng. Vấn đề là, cách đặt vấn đề của thầy cô trong Hội đồng trường như thế nào để học sinh có thể nói lên nguyện vọng, nhận xét trước một hoạt động giáo dục”, bà Lê Thị Hoàng Chinh phân tích.

Thầy Võ Thanh Phước cũng khẳng định vai trò phụ huynh trong Hội đồng trường quan trọng. Đây là một kênh giúp nhà trường điều chỉnh nhiều nội dung liên quan đến quản trị trường học, từ tổ chức hoạt động dạy – học, duy trì nền nếp, hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp... Hầu hết góp ý từ cha mẹ học sinh đều mang tính xây dựng, giúp nhà trường điều chỉnh lại công tác quản lý, tổ chức cho hiệu quả hơn.

Em Đinh Thị Kiều Oanh - học sinh lớp 8, Liên đội trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học - THCS Trà Nam (Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) cho biết: “Trong các cuộc họp của Hội đồng trường, em thường được thầy, cô hỏi về những nội dung liên quan đến hội thi văn nghệ, thể thao, hoạt động trải nghiệm; nguyện vọng học sinh về việc có nên ra bài tập về nhà hay không, hệ thống đèn sáng, máy quạt ở lớp tốt chưa, khu nội trú cần bổ sung gì... Em thấy những nội dung này liên quan thiết thực đến việc học tập và sinh hoạt; giúp chúng em có cơ hội trình bày nguyện vọng với thầy, cô giáo và nhà trường…”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dân chủ trong trường học: Hội đồng trường… tồn tại hay không?