“Có người chuyên đi buôn sắc phong giá rẻ, họ tới các làng xóm, dụ dỗ người già cả trong làng bán giá rẻ. Một số trường hợp lừa đảo, lấy lý do mượn bản gốc về để phục dựng rồi bán sang Trung Quốc. Một số nhóm buôn sắc phong mang danh nhà nghiên cứu, nhân viên UNESCO. Họ quét sắc phong lên trang web, đấu giá xong xuôi mới chuyển từ Việt Nam sang”, TS. Trần Đức Anh Sơn cho hay.
Sắc phong thời Tây Sơn được phát hiện ở tỉnh Hải Dương năm 2007.
Đau đáu "chảy máu" cổ vật
PGS.TS Bùi Xuân Đính (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đồng quan điểm về hiện tượng sắc phong bị đánh cắp, săn lùng với giá rẻ xảy ra nhiều năm qua.
“Chính quyền, ban quản lý di tích cấp xã và tiểu ban quản lý di tích ở các thôn làng cùng ngành văn hóa cần có giải pháp để bảo vệ nguồn tài liệu trở thành báu vật này”, PGS.TS Bùi Xuân Đính kiến nghị.
TS. Trần Đức Anh Sơn cho rằng bất cập xảy ra khi Việt Nam không có thị trường đấu giá cổ vật, tài sản văn hóa. Vì vậy, người Việt khó mua lại cổ vật Việt Nam.
“Nếu muốn mua lại, cơ quan nhà nước phải làm tờ trình xin cấp một số tiền cụ thể. Khi ra phiên đấu giá, chỉ cần có người trả hơn vài chục, vài trăm USD so với mức giá được nhà nước duyệt là thắng. Việc bỏ lỡ bức tranh Chiều tà của vua Hàm Nghi là ví dụ”, nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn phân tích.
Bức Chiều tà và nhiều cổ vật của Việt Nam không thể "hồi hương".
Tác phẩm Chiều tà được ra giá ban đầu là 1.000 euro. Đại diện được phía tỉnh Thừa Thiên Huế và Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế ủy quyền tham gia đấu giá phải dừng bước khi giá bức tranh được đẩy lên trên 8.000 euro, vượt ngoài khả năng tài chính dự kiến.
Thời điểm đó, đại diện phòng Đối ngoại Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết Trung tâm chưa có tiền lệ tham gia đấu giá để mua lại các cổ vật, các tác phẩm nghệ thuật nên cũng chưa có kinh nghiệm. Thời gian quá gấp rút cũng là nguyên nhân Việt Nam lỡ mất cơ hội mua bức tranh này.
Theo cuốn Bách khoa thư làng Việt cổ truyền (PGS.TS Bùi Xuân Đính), sắc phong là văn bản viết trên giấy sắc, có ấn của vua với nội dung công nhận việc thờ thần của một làng (sắc phong thần) hay phong chức tước cho một vị quan (sắc phong chức tước). Mỗi đơn vị sắc phong còn được gọi là đạo sắc.
Ngày nay, điều kiện kỹ thuật và công nghệ cho phép phục chế lại sắc phong rất giống nguyên bản. Điều này cho phép các làng xã bị mất sắc phong, hoặc sắc phong bị rách nát phục chế lại theo nguyên mẫu.