Những cuộc đàm phán âm thầm, tỉ mỉ, cùng cuộc gọi quyết định của Tổng thống Joe Biden vài giờ trước khi thông báo rút tranh cử là những yếu tố giúp Nga và phương Tây đạt kỳ tích ngoại giao khi tổ chức đợt trao đổi tù nhân quy mô lớn nhất từ thời Chiến Tranh lạnh.
Ngày 1-8, Nga và các nước phương Tây đã tiến hành một cuộc trao đổi tù nhân quy mô lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Quy mô trao đổi bao gồm 26 người, diễn ra tại một sân bay ở thủ đô Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ).
Nga đã trao trả 16 người đưa sang phương Tây, bao gồm 14 người đến Đức và 4 người sang Mỹ, để đổi lấy 10 người là công dân Nga, theo đài RT.
Trong số 4 người được đưa đến Mỹ có phóng viên Evan Gershkovich của tờ Wall Street Journal, cựu Thủy quân lục chiến Mỹ Paul Whelan và biên tập viên Alsu Kurmasheva của đài RFE/RL.
Phía Nga, trong 10 người được trả tự do có cựu sĩ quan Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) Vadim Krasikov - người bị kết án chung thân ở Đức vì tội sát hại ông Zelimkhan Khangoshvili - công dân Georgia thuộc sắc tộc Chechnya vào năm 2019.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris chào đón cựu Thủy quân lục chiến Mỹ Paul Whelan về nước tại căn cứ không quân Andrews ngày 1-8. Ảnh: AFP/GETTY IMAGES
Cuộc gọi định mệnh của ông Biden
Theo hãng tin AFP, vụ trao đổi tù nhân lịch sử này là kết quả của những cuộc đàm phán bí mật, tỉ mỉ và một cuộc điện thoại quan trọng từ Tổng thống Joe Biden vào khoảng một tiếng trước khi đương kim tổng thống tuyên bố rút tranh cử năm nay.
Nhà Trắng đã làm việc một cách rất cật lực và phần lớn là ngoài tầm mắt công chúng để có thể hồi hương các tù nhân.
“Kỳ tích ngoại giao" này cho thấy Mỹ và Nga đã âm thầm tổ chức các cuộc đàm phán cấp cao vào thời điểm quan hệ giữa Nga và phương Tây đang lao dốc liên quan cuộc chiến ở Ukraine.
Nhà báo Mỹ Evan Gershkovich cùng mẹ là bà Ella Milman mỉm cười khi đến căn cứ không quân Andrews hôm 1-8. Ảnh: AFP/GETTY IMAGES
Bên cạnh các cuộc đàm phán là cuộc gọi “định mệnh" của ông Biden vào ngày 21-7, cũng chính là ngày mà chủ nhân Nhà Trắng khiến cả thế giới choáng váng khi tuyên bố sẽ không tham gia cuộc bầu cử vào tháng 11 nữa.
Theo AFP, dưỡng bệnh tại tư dinh ở bang Delaware sau khi mắc COVID-19, ông Biden đã gọi cho người đồng cấp Slovakia, thúc giục đối phương xúc tiến các bước cuối cùng để đưa thỏa thuận trao đổi tù nhân với Nga “về đích”.
Sau đó, Slovenia đã trả tự do cho hai người Nga bị tòa án nước này kết tội làm gián điệp.
“Cầu may" tới phút cuối cùng
Phát biểu trên bục Nhà Trắng, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan chào đón các tù nhân được hồi hương một cách an toàn, thêm rằng đã phải “cầu may" đến phút cuối cùng.
"Chúng tôi đã nín thở và cầu may cho đến chỉ vài giờ trước" - ông Sullivan nói, nhấn mạnh rằng không ai thực sự chắc chắn rằng thỏa thuận sẽ được thực hiện cho đến phút cuối cùng.
Quá trình đàm phán trao đổi tù nhân Nga-phương Tây được khởi động từ năm 2018 khi cựu Thủy quân lục chiến Mỹ Paul Whelan bị bắt. Quá trình này càng trở nên phức tạp hơn khi phóng viên Evan Gershkovich bị bắt lúc đưa tin ở Nga hồi năm 2023.
Ngoài ra, một trong những điểm khiến cuộc đàm phán trở nên khó khăn là việc Moscow yêu cầu phóng thích ông Vadim Krasikov (người bị kết án chung thân ở Đức vì tội sát hại công dân Georgia thuộc sắc tộc Chechnya hồi 2019).
Những tù nhân Nga được trao trả bước xuống sân bay ở thủ đô Moscow hôm 1-8. Ảnh: REUTERS
Phía Berlin ban đầu không đồng ý. Theo ông Sullivan, để thuyết phục Đức, Mỹ đã phải triển khai các tương tác “ngoại giao rộng rãi với các đối tác Đức, bắt đầu từ cấp cao nhất là tổng thống”.
Bước đột phá đã xuất hiện trong cuộc đàm phán tại Phòng Bầu dục giữa Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Biden hồi tháng 4.
"Thủ tướng Scholz đã trả lời tổng thống rằng: 'Vì ngài, tôi sẽ làm điều này'" - ông Sullivan cho hay.
Kể từ đó, các bên đã cẩn thận vạch kế hoạch và thảo luận tỉ mỉ các vấn đề, kết quả là Nga và phương Tây hôm 1-8 vừa qua đã tổ chức đợt trao đổi tù nhân lớn nhất kể từ khi Chiến Tranh lạnh.
Theo hãng tin AFP, ngoài những tù nhân được trao đổi hôm 1-8, trong danh sách yêu cầu trao đổi của Mỹ còn có nhân vật đối lập Nga Alexei Navalny, nhưng ông này đã chết vào chiều 16-2 khi đang thụ án tại nhà tù IK-3 ở vùng Yamal-Nenets (Bắc Cực).
Phía nhà tù IK-3 cho biết ông Navalny bất ngờ ngã gục lúc đi dạo và nỗ lực hồi sức cho ông ấy khi đó đã thất bại.
Phát biểu trước người dân hôm 17-3, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng các quan chức cấp cao Nga đã từng đưa ra ý tưởng trao đổi tù nhân giữa ông Navalny với một số công dân Nga bị giam ở phương Tây, đài RT đưa tin.
Theo ông Putin, các quan chức Nga nêu ý tưởng trao đổi tù nhân vài ngày trước khi ông Navalny chết.
“Người nói chuyện với tôi thậm chí còn chưa nói hết câu thì tôi đã nói ‘tôi đồng ý’” - ông Putin cho hay.
Tuy nhiên, tổng thống Nga không tiết lộ ai hoặc bao nhiêu công dân Nga bị giam ở phương Tây sẽ được trao đổi.
Ông Putin lưu ý rằng điều kiện duy nhất cho việc trao đổi là ông Navalny sẽ không trở về nước và ở lại phương Tây.
Tổ chức Chống tham nhũng (FBK) - một tổ chức phi chính phủ trước đây do ông Navalny đứng đầu, từng nói rằng ông Navalny sẽ được trao đổi với ông Vadim Krasikov.