Cô Lệ đã đặt ra mục tiêu phải tự học tiếng Mông. Ban đầu là những từ ngữ đơn giản trong giao tiếp, sinh hoạt hàng ngày, rồi sau là những câu, từ khó hơn. Mỗi khi gặp khó, cô lại nhờ đám học sinh lớp lớn phiên dịch hộ. Cứ như thế, vốn từ của cô mỗi ngày một nhiều lên. Cô cũng giao tiếp với Xua được nhiều hơn. Cuối năm học, Xua đã “ê”, “a” đọc thơ và dần hòa nhập được với các bạn.
“Giờ đây, các cô không chỉ “3 cùng” nữa mà mỗi người giáo viên phải thực hiện “4 cùng” - cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng bản địa với các em”, cô Lệ nói.
Gần 10 năm trôi qua, song cô Trương Ngọc Bích (sinh năm 1991) vẫn chưa thể quên được những ngày đầu xây trường, dựng lớp. “Năm 2014, lúc đó chưa có lớp học, phải mượn tạm nhà dân (chủ nhà đi làm ăn xa, bỏ hoang) để làm lớp. Ngày ấy còn là nhà lợp mái gianh, nền đất. Dần dần, điểm trường cũng được xây dựng khang trang hơn nhưng con đường tới trường của các em vẫn còn lắm gian nan. Nước sinh hoạt không đủ, các cô lại thay phiên nhau đi gánh nước cho các con dùng”, cô Bích nhớ lại.
Trường khó một thì học sinh của cô khó mười. Năm đầu nhận lớp, cô Bích nhớ mãi cảnh học sinh chân trần tím tái dưới trời giá rét đến lớp. Trong đám học sinh ấy có cậu bé 3 tuổi Giàng A Trống. Nhà Trống nghèo, bố mẹ đi làm ăn xa nên em phải ở với ông bà. Trống còn mắc bệnh hiểm nghèo. Thương em, cô Bích nỗ lực vận động gia đình đi khám để được chứng nhận khuyết tật và được hưởng chính sách của Nhà nước.
Ở trên lớp, mỗi bữa cô Bích phần thêm một chút thức ăn để Trống được no bụng. Đi đâu, ai có quần, áo, giầy, dép cũ không dùng đến thì cô xin về cho Trống. Từ sự yêu thương, vun đắp mỗi ngày, Trống lớn lên, thoát khỏi “vỏ bọc” của một cậu bé nhút nhát, ngại giao tiếp. Em cứ thế mạnh dạn hơn trong giao tiếp, chủ động vui chơi cùng các bạn.
Đưa chúng tôi đi thăm từng phòng học trong khuôn viên nhà trường, cô Hiệu trưởng Lò Thị Khoa say sưa kể về chặng đường tạo dựng cơ sở vật chất suốt nhiều năm qua. Cô cũng không quên điểm lại những gian nan mà tập thể sư phạm nơi đây đã trải qua.
Cô Khoa bộc bạch: “Có những cô giáo gắn bó với trường từ khi còn rất trẻ, tuổi đời mười chín đôi mươi đã là giáo viên đi bám bản xa. Với tình yêu nghề, mến trẻ và nhiệt huyết tuổi thanh xuân, các cô đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục, vì tương lai học trò thân yêu”.
Thật khó để kể hết về những khó khăn và sự cống hiến của các cô giáo bám bản. Hàng ngày từ việc đón trẻ, vệ sinh cá nhân đến chăm lo bữa ăn, giấc ngủ, dạy tiếng, dạy múa cho trẻ... đều được các cô chăm lo tận tình, trách nhiệm như chính những đứa con yêu quý của mình. Tận mắt chứng kiến những khó khăn, vất vả của các giáo viên nơi đây càng khiến chúng tôi cảm phục hơn ý chí và sự hi sinh thầm lặng mà họ dành cho các thế hệ học trò.