Thứ nhất, món đồ chơi này có thể gây thương tích nếu người dùng sử dụng và tác động vật lý mạnh, bên cạnh đó khi trẻ con chơi, chúng ta không thể kiểm soát được, món đồ chơi này hoàn toàn có thể gây nguy hiểm nếu tiếp xúc với khu vực mắt hoặc gần mắt.
Thứ hai đó là món đồ chơi tưởng chừng 'vô tri' này có thể gây ảnh hưởng tâm lý, đặc biệt là đối tượng trẻ nhỏ chưa biết kiểm soát hành vi của mình, việc cầm 'dao cà rốt' để chơi, mặc dù chỉ là những hành động đâm chém đùa nhau, nhưng nó hoàn toàn có thể kích thích xu hướng bạo lực ở trẻ em, và rất có khả năng chúng sẽ sử dụng dao thật để thực hiện những hành động tương tự và nghĩ rằng chơi dao không nguy hiểm".
Dao cà rốt với đủ loại kích thước lớn nhỏ có thể gây nguy hiểm cho người chơi nếu không cẩn thận.
Cùng quan điểm với chị Hoa, chị Vy (ở Hoài Đức) cũng có con trong độ tuổi tiểu học đã rất bất ngờ khi những món đồ chơi nguy hiểm này được bày bán ở ngay cổng trường. Theo chị, nếu các con giấu bố mẹ mua để chơi, không có sự giám sát của người lớn có thể xảy ra thương tích nếu không may va phải.
"Cái kẹo, viên thạch hay quả nhãn... những thứ đồ ăn tưởng như vô hại nhưng trên thực tế cũng đã có rất nhiều vụ việc đáng tiếc xảy ra khi trẻ không may bị hóc. Nên theo tôi đừng nói con dao nhựa lại vô hại. Nhiều khi chính nhứng thứ mang vẻ ngoài vô tri lại ẩn chứa những nguy cơ gây hại", chị Vy nói.
Còn chị Nga (quận Hai Bà Trưng) lại lo ngại việc chơi với dao nhựa sẽ khiến trẻ dần quen với các động tác bạo lực, và nếu thiếu kiểm soát, sẽ để lại hệ lụy: "Phụ huynh cần kiểm soát những món đồ chơi kiểu thế này, đừng nghĩ dao nhựa thì không gây hại. Bởi riêng việc con trẻ cứ cầm thứ đồ chơi đó lắc qua lắc lại để lưỡi dao bật ra đã tiềm ẩn nguy hiểm. Chưa kể đến việc các con có thể bắt chước các hành động nguy hiểm liên quan đến dao dễ khiến trẻ con dần tiếp xúc và quen với bạo lực lúc nào không hay".
Việc cầm dao đồ chơi và thực hiện các hành động đâm có thể kích thích xu hướng bạo lực ở trẻ. Chúng có thể gia tăng khả năng trẻ em sử dụng dao thật và thực hiện hành động tương tự.
Ngoài vấn đề có thể gây thương tích cho con trẻ, loại đồ chơi này cũng không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, thường được làm từ nhựa kém chất lượng, kim loại pha chì, rất độc hại khi dùng. Các cháu nhỏ thường có thói quen ngậm đồ chơi, nếu sử dụng trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến cơ thể con trẻ...
Thực tế là đã có rất nhiều trẻ nhỏ bị dị ứng, thậm chí ngộ độc do dùng đồ chơi làm bằng nhựa. Thế nhưng, rất nhiều phụ huynh vẫn lựa chọn những mặt hàng này phần vì chưa ý thức được sự nguy hiểm của những món đồ chơi này.
Ngoài phục vụ mục đích giải trí, đồ chơi còn có ý nghĩa vô cùng lớn đối với con trẻ. Vậy nên, ngoài việc lựa chọn những loại đồ chơi có chất liệu an toàn thì tính giáo dục của món đồ chơi đó cũng là điều khiến nhiều phụ huynh lưu tâm. Các sản phẩm đồ chơi nguy hiểm, thuộc danh mục đồ chơi bạo lực, đồ chơi vi phạm thuần phong mỹ tục, như súng, dao… sẽ có thể ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ, kích thích tính bạo lực trong trẻ. Những thứ tiềm ẩn nguy hiểm đằng sau vỏ vô tri mới là thứ cần triệt để loại trừ.
Giữa “ma trận” các mặt hàng đồ chơi cho trẻ đang được rao bán rầm rộ, công khai trên mạng xã hội hiện nay, đòi hỏi các bậc cha mẹ phải hết sức cảnh giác và sáng suốt với sự lựa chọn của mình, làm sao an toàn, chất lượng, hiệu quả nhưng cũng phải phù hợp với trẻ.
Có 8 loại sản phẩm bị cấm theo quy định của pháp luật Việt Nam, trong đó bao gồm các loại đồ chơi có hình dáng giống các loại vũ khí khác như giống lựu đạn, bom, mìn, bộc phá; giống kiếm, mác, lê, dao găm,...