Mỹ gọi việc tiếp quản quyền lực ở Niger là đảo chính quân sự
Ngày 10-10, các quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Mỹ đánh giá việc tiếp quản quyền lực ở Niger vào tháng 7 là cuộc đảo chính quân sự, sau khi có thông tin rõ ràng rằng chính quyền không muốn tuân theo các hướng dẫn hiến pháp để khôi phục chế độ dân sự và dân chủ, theo Reuters.
Ngoại trưởng Bakary seydou Sangarey của chính quyền quân sự Niger phát biểu hôm 1-10. Ảnh: Mahamadou/REUTERS
“Chúng tôi đưa ra đánh giá này vì trong 2 tháng qua chúng tôi đã sử dụng hết mọi cách có thể để duy trì trật tự hiến pháp ở Niger” - một quan chức Mỹ nói.
Quan chức này cho biết Washington kêu gọi chính quyền quân sự Niger tuân thủ hiến pháp mà theo quan điểm của Mỹ là "một chính phủ chuyển tiếp đang giải quyết tình trạng khẩn cấp quốc gia sẽ phải khôi phục chế độ dân sự và dân chủ trong vòng 90-120 ngày”.
“Thời gian đã qua nhưng rõ ràng là các quan chức CNSP mà chúng tôi đang làm việc không muốn tuân theo những hướng dẫn hiến pháp này” - quan chức Mỹ nói.
CNSP là viết tắt của Hội đồng quốc gia bảo vệ tổ quốc - tên chính thức của chính quyền quân sự Niger.
Theo Reuters, việc chỉ định chính thức là một cuộc đảo chính sẽ hạn chế những hỗ trợ mà Washington có thể cung cấp cho Niger.
Mặc dù vậy, một quan chức Mỹ khác cho biết Washington không có kế hoạch thay đổi lực lượng quân sự của nước này ở Niger.
Trong thập niên qua, quân đội Mỹ đã huấn luyện lực lượng Niger về hoạt động chống khủng bố và Mỹ cũng đặt 2 căn cứ quân sự ở quốc gia châu Phi này.
Tháng trước, Lầu Năm Góc bố trí lại một số lực lượng và thiết bị ở Niger, đồng thời rút một số lượng nhỏ nhân viên không thiết yếu.
Hiện tại Mỹ duy trì khoảng 1.000 binh sĩ tại Niger, theo quan chức Mỹ.
Tổng thống Putin điện đàm với lãnh đạo Mali, lần thứ ba trong 2 tháng Ngày 10-10, Tổng thống Nga Vladimir Putin có cuộc điện đàm với Tổng thống lâm thời của Mali - ông Assimi Goita, theo hãng thông tấn TASS. Theo Điện Kremlin, cuộc điện đàm do phía Mali đề xuất. Trong cuộc điện đàm, hai lãnh đạo thảo luận về "cam kết chung nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ thương mại và kinh tế, hợp tác an ninh và cuộc chiến chống khủng bố". Hai bên cũng thảo luận về tình hình ở khu vực Sahara-Sahel và việc thực hiện các thỏa thuận đạt được tại hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi hồi tháng 7. Theo hãng tin Reuters, đây là cuộc điện đàm lần thứ ba trong vòng chưa đầy hai tháng giữa ông Putin và ông Goita. Ông Goita, một chỉ huy lực lượng đặc biệt của Mali, là một trong số các đại tá lãnh đạo cuộc đảo chính quân sự vào năm 2020. Sau đó, ông giữ chức tổng thống lâm thời vào năm 2021. |