Tìm hiểu cách đào tạo giáo viên để họ sẵn sàng đối phó với tác động của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo trong giáo dục
Dự và chủ trì hội thảo có ông Lê Huy Nam, Vụ trưởng Vụ Giáo dục – Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam; ông Ngô Duy Đông, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc; cùng đại diện lãnh đạo một số Vụ thuộc Ban Tuyên giáo trung ương, Bộ GD&ĐT, các nhà khoa học và đại diện một số trường đại học đào tạo về sư phạm.
Hội thảo “Đào tạo giáo viên trước tác động của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo" nhằm chuẩn bị cơ sở lí luận và thực tiễn để đề xuất chủ trương, đường lối, chính sách mới phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trước tác động của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo theo Kết luận số 91-KL/TW, ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Huy Nam, Vụ trưởng Vụ Giáo dục – Ban Tuyên giáo Trung ương nêu rõ: Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Bộ Chính trị yêu cầu “Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, trí tuệ nhân tạo”.
Trong đó nhấn mạnh “Đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo; phát triển giáo dục số, giáo dục thông minh, giáo dục cá nhân hoá, giáo dục sáng tạo, giáo dục thích ứng với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo”. Đây là những chủ trương quan trọng của Trung ương, là cơ sở chính trị quan trọng cho những đổi mới mạnh mẽ giáo dục và đào tạo với sự tham gia của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo trong giai đoạn tới.
Đó cũng chính là bối cảnh để Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 tổ chức Hội thảo khoa học “Đào tạo giáo viên trước tác động của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo”.
“Hội thảo tập trung làm rõ xu hướng phát triển công nghệ số và trí tuệ nhân tạo; kinh nghiệm quốc tế, thời cơ, thuận lợi, thách thức và định hướng đối với giáo dục và đào tạo Việt Nam. Thực trạng công tác đào tạo giáo viên trước tác động của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo. Chủ trương, chính sách, nhiệm vụ và giải pháp đào tạo giáo viên trước tác động của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo”, ông Lê Huy Nam nhấn mạnh.
Tại hội thảo, đại biểu nghe các tham luận về: Trí tuệ nhân tạo, xu hướng phát triển và những tác động tới giáo dục và đào tạo. Đổi mới công tác đào tạo giáo viên của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trong thời đại công nghệ số; Tương lai giáo dục với trợ lý ảo ChatbotAI: đột phá trong tương tác học tập; Nghiên cứu tác động của trí tuệ nhân tạo (AI) trong đào tạo giáo viên ngữ văn tại một số cơ sở đào tạo giáo viên tại Việt Nam; Quản trị cơ sở giáo dục trong kỉ nguyên của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo: cơ hội, thách thức và những khuyến nghị.
Hội thảo cũng tập trung trao đổi, thảo luận về Khuôn khổ pháp lý ứng dụng AI; Thách thức, quan điểm và giải pháp của các trường sư phạm; Giáo dục số, giáo dục thông minh; Giáo dục thích ứng và cá nhân hóa với AI; Khung năng lực sử dụng AI trong giáo dục.