Hướng nghiệp

Đào tạo nghề song song học văn hóa: Phát triển bền vững

03/07/2025 22:36

Nhờ lựa chọn học nghề, nhiều thanh niên dân tộc thiểu số tại Đắk Lắk đã có cuộc sống ổn định, thậm chí còn tạo việc làm cho người khác.

Chuyển hóa chính sách thành động lực học tập

Chị H’ Mia Ênuôl (sinh năm 1995, thôn 4, xã Cư Êbur, TP Buôn Ma Thuột) là một minh chứng điển hình về thành công nhờ lựa chọn học nghề. Do điều kiện khó khăn, chị nghỉ học từ lớp 10. Hai năm trước, được hỗ trợ học nghề miễn phí theo Nghị định 81/2021, chị theo học pha chế tại Trung tâm Dạy nghề Dam San. Sau khi tốt nghiệp, chị mở quán cà phê nhỏ, bước đầu ổn định kinh tế gia đình và tạo việc làm cho một số thanh niên trong buôn.

“Quá trình học nghề, tôi được thầy cô và trung tâm hỗ trợ thủ tục pháp lý. Ngoài kỹ thuật pha chế các loại nước uống, cà phê..., thầy cô còn cung cấp nhiều bài học hữu ích trong kinh doanh, nhờ đó tôi mạnh dạn đầu tư vào quán cà phê để vừa tạo thu nhập ổn định cho gia đình và việc làm cho con em có hoàn cảnh khó khăn trong buôn”, chị H’ Mia nói.

Tương tự, anh Sùng Seo Hải (sinh năm 1998, xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông) học nghề sửa chữa xe máy tại Trung cấp Tây Nguyên, kết hợp học văn hóa tại Trung tâm GDNN - GDTX huyện Cư Kuin. Có tay nghề, anh mở cửa hàng sửa xe tại quê nhà và dự định mở thêm cơ sở tại xã Cư San (huyện M’Drắk).

“Sau khi có tay nghề, tôi nhờ bố mẹ đứng tên vay ngân hàng 100 triệu đồng để mở cửa hàng sửa xe. Sắp tới, do nhu cầu mở rộng quy mô và muốn tạo thêm công ăn việc làm cho thanh niên trong buôn, tôi mở thêm cửa hàng ở xã Cư San, huyện M’Drắk”, anh Hải chia sẻ.

Theo lời anh Hải, trước đây, hầu hết thanh niên trong thôn đều “bắt vợ” sớm, nhiều bạn đồng trang lứa giờ đã 3 - 4 đứa con, cuộc sống khổ cực. Anh may mắn khi được xã vận động đi học theo chính sách hỗ trợ miễn học phí. “Có nghề trong tay là nhờ ơn Đảng, Nhà nước và cán bộ vào tận nhà vận động. Do đó, tôi phải cố gắng nâng cao tay nghề để giúp đỡ nhiều bạn trẻ thay đổi cuộc sống”, anh Hải nói thêm.

dao-tao-nghe-song-song-hoc-van-hoa-1-917.jpg
Học sinh được hướng dẫn thực hành giúp nâng cao tay nghề.

Trụ cột để phát triển bền vững

Bà Trần Thị Thiết - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Tây Nguyên khẳng định, đơn vị sẽ tiếp tục đầu tư trang thiết bị dạy học, phòng thí nghiệm thực hành hiện đại hơn. “Chúng tôi đã đưa phòng thí nghiệm, thực hành hiện đại về các vùng khó khăn như: Cư Kuin, Ea H’leo, Krông Pắc… với mong muốn giúp học sinh vùng dân tộc thiểu số được tiếp cận trực tiếp để nâng cao việc thực học và thực hành.

Các em sau khi tốt nghiệp sẽ có tay nghề vững vàng cả lý thuyết và thực hành cũng như kỹ năng ứng xử thực tế. Qua đó, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, nhà tuyển dụng, tăng cơ hội việc làm trong và ngoài nước”, bà Thiết bày tỏ.

Cũng theo bà Thiết, để phát triển bền vững, chính sách từ Nghị định 81/2021 mới chỉ là điều kiện cần, bởi cốt lõi của học nghề là việc làm. Do đó, đơn vị đã ký hợp đồng với đơn vị, doanh nghiệp nhằm tăng cường bảo đảm đầu ra cho học sinh, học viên sau khi tốt nghiệp.

Còn theo bà Trần Thị Minh Lý - Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Đắk Lắk, thời gian tới, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền nhằm tăng số lượng học sinh được thụ hưởng chính từ Nghị định 81/2021. Đây cũng là cách để đơn vị đồng hành với địa phương trong việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm sau tốt nghiệp cho học sinh, học viên.

TS Đỗ Tường Hiệp - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk cho rằng, phổ cập nghề cho thanh niên vùng dân tộc là trụ cột quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững tại Tây Nguyên. “Học sinh dân tộc thiểu số không còn dừng lại ở lớp 9. Các em được học nghề, văn hóa, kỹ năng sống - đó là bước chuyển lớn trong tư duy phát triển nguồn nhân lực tại chỗ”, ông Hiệp nhận định.

Hiện, Sở GD&ĐT Đắk Lắk đẩy mạnh hướng dẫn thực hiện thông qua các đợt tư vấn tuyển sinh và định hướng phân luồng sau THCS. Do đó, tỷ lệ lựa chọn học nghề kết hợp học văn hóa tăng hơn 10% so với năm trước.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại Đắk Lắk cũng tích cực đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, kết nối với doanh nghiệp và địa phương để sát thực tế, đồng thời đa dạng ngành nghề phù hợp với thị trường như: Du lịch, thương mại điện tử, sửa chữa xe máy, thiết kế đồ họa, công nghệ thông tin...

Có thể nói, chính sách đào tạo nghề cho thanh niên dân tộc thiểu số theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP không chỉ tháo gỡ rào cản tài chính, mà còn tạo cơ hội tiếp cận kỹ năng nghề, việc làm và phát triển bản thân. Đây không chỉ là chính sách “ưu tiên” mà thực sự trở thành hành lang phát triển bền vững, góp phần nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy sự phát triển hài hòa giữa các vùng miền.

Ông Lê Hải Lý - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Nội vụ Đắk Lắk) cho hay, năm 2025, các tỉnh Đông Nam Bộ như: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai cần tuyển khoảng 16.000 lao động phổ thông và lao động có tay nghề. Còn thị trường lao động nước ngoài như: Hàn Quốc, Nhật Bản… cần khoảng 6.000 lao động có tay nghề. Đây là cơ hội cho trường nghề và học sinh sớm có lựa chọn nghề nghiệp.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/dao-tao-nghe-song-song-hoc-van-hoa-phat-trien-ben-vung-post737046.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/dao-tao-nghe-song-song-hoc-van-hoa-phat-trien-ben-vung-post737046.html
Bài liên quan
Mô hình trường trung học kỹ thuật: Giải bài toán đứt gãy trong đào tạo nghề
Nhiều doanh nghiệp tại Đà Nẵng, đặc biệt doanh nghiệp ở các khu công nghiệp đang rơi vào tình trạng thiếu hụt lao động phổ thông.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đào tạo nghề song song học văn hóa: Phát triển bền vững