Chính vì vậy, trong những năm gần đây, không ít trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chú trọng đến việc liên kết với doanh nghiệp để đào tạo nghề. Và đây chính là hình thức “đào tạo nghề theo địa chỉ”.
Để đáp ứng được yêu cầu này, các trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đều cần chú trọng việc “Học đi đôi với hành”, đào tạo kết hợp với lao động sản xuất. Hay nói đúng hơn là thực hiện phương châm: “Nhà trường đào tạo cái xã hội cần mà không phải đào tạo cái nhà trường có”.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp liên kết sẽ hướng dẫn việc làm, các kỹ năng cần thiết, đồng thời góp ý cho trường những nội dung cần phải bổ sung vào chương trình giáo dục, đào tạo nghề để đáp ứng yêu cầu công việc của họ.
Ông Trần Minh Hoàng, Giám đốc Công ty HSMart nhìn nhận, doanh nghiệp chú trọng vào đào tạo, xây dựng được lộ trình học tập và thăng tiến rõ ràng cho nhân viên thường có tỷ lệ nhảy việc thấp hơn hẳn. Ngoài ra, doanh nghiệp có chương trình đào tạo bài bản thường sẽ chủ động, ít bị rối loạn khi có sự thay đổi về mặt nhân sự hoặc các yếu tố sản xuất kinh doanh biến động.
“Không chỉ duy trì sự ổn định trong quá trình vận hành của doanh nghiệp, đào tạo nhân viên còn tăng sức cạnh tranh trên thị trường nhờ đội ngũ nhân viên được trang bị kiến thức và kỹ năng vững vàng”, ông Hoàng cho biết.
Theo các chuyên gia, để nâng cao hiệu quả đào tạo nghề theo địa chỉ, các trường, cơ sở giáo dục cần thường xuyên mời các chuyên gia từ doanh nghiệp đến trường chia sẻ nghề nghiệp; kết hợp giảng dạy chính khóa với các hoạt động ngoại khóa ở các doanh nghiệp liên kết. Đi liền với việc đặt hàng của các doanh nghiệp, thời gian tới, giáo dục nghề nghiệp cần đặt hàng đào tạo ra lực lượng trẻ, có kỹ năng để đáp ứng yêu cầu hợp tác của doanh nghiệp.
Để làm được điều này, các trường học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần nắm bắt được xu hướng dự báo về các ngành nghề “khát” nguồn nhân lực, nghề chất lượng tại các doanh nghiệp để có kế hoạch hợp tác hiệu quả. Theo dự báo, các ngành nghề thuộc các lĩnh vực: Công nghệ thông tin, cơ khí, cơ khí giao thông, điện tử, quản lý dự án, xây dựng công nghiệp, môi trường, nông nghiệp… vẫn đang rất cần nguồn lao động chất lượng cao.