Chuyển động của các cơ sở đào tạo
Để góp phần phát triển nền kinh tế số, dựa trên các định hướng và chính sách, cơ sở giáo dục đại học thời gian qua đã nhanh chóng đầu tư về nền tảng hạ tầng công nghệ (thư viện số, nền tảng Big Data dùng chung, công nghệ AI, đội ngũ) để nhanh chóng mở ngành và đào tạo nhân lực đón đầu xu thế phát triển kinh tế mới. Ngoài nhóm ngành đào tạo mang tính nòng cốt như: CNTT, An toàn thông tin, Quản trị phần mềm, các trường cũng đã nhanh chóng mở nhiều ngành mới như AI, Digital Marketing, Kinh tế số (Digital Economy), Thương mại điện tử…
Theo TS Nguyễn Quang Tiệp - Viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo Kinh tế quốc tế, thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện có khoảng 51% nhân lực làm công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đang làm việc trong các cơ sở giáo dục đại học, tương đương 90.000 người. Số lượng trên khá ít ỏi cho mục tiêu đào tạo và phát triển đội ngũ nhân lực đáp ứng cho nền kinh tế số trong tương lai.
“Các trường đã và đang thích ứng nhanh với bối cảnh đào tạo nhân lực mới. Tuy nhiên, xét ở khía cạnh sâu về chương trình đào tạo các đơn vị mới chỉ cung cấp cho người học phần nền tảng cơ bản chứ không thể đem những gì mới nhất vào đào tạo được. Vì vậy, bài toán chất lượng nhân lực cho nền kinh tế số chỉ được giải quyết khi có hệ thống chính sách khuyến khích từ Nhà nước.
Để thu hút người học vào nhóm ngành công nghệ nhiều hơn, phải có định biên, cơ sở vật chất nhà trường phải được phát triển, đội ngũ giảng viên phải được đáp ứng theo tỷ lệ nhất định kèm cơ chế hỗ trợ… Qua đó giúp các cơ sở đào tạo phát triển nhanh và cùng gắn với DN, giúp xây dựng nguồn nhân lực tốt”, TS Tiệp nói.
PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG TPHCM - nhìn nhận, muốn phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao đáp ứng chuyển đổi số và nền kinh tế số, bước đầu tiên các cơ sở đào tạo cần làm ngay là đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp đào tạo theo hướng liên ngành và đáp ứng các chuẩn mực quốc tế. Muốn phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao, các đơn vị đào tạo cần có những giải pháp quyết liệt hơn trong đào tạo, liên kết.
“Mô hình hợp tác lý tưởng cho lĩnh vực này sẽ gồm 6 thành phần: Đào tạo, nghiên cứu, trung tâm khởi nghiệp, trung tâm thử nghiệm, trung tâm dữ liệu, kiểm định - đánh giá. Các trường phải biết cách tận dụng công nghệ số trong giảng dạy. Cùng với đó là nâng chất, bồi dưỡng cho đội ngũ giảng viên, đặc biệt là những vấn đề về CNTT, tiếng Anh, quy trình tiếp cận kiến thức mới nhất. Muốn vậy, hệ thống cơ sở vật chất phải đảm bảo được tính thực hành, thực tiễn của người học.
Tuy vậy, mấu chốt vẫn là phát huy mối quan hệ hợp tác giữa nhà trường với DN. DN cần có thêm các đơn đặt hàng đào tạo giúp các trường không đi quá xa nhu cầu thực tế. Bản thân các trường cũng phải biết lắng nghe, thay đổi, không thể cứ dạy mãi những cái cho là thế mạnh của mình, mà chưa chú trọng đến nhu cầu của DN, thị trường lao động”, PGS.TS Vũ Hải Quân nhấn mạnh.