Giáo dục

Đáp án, thang điểm bài thi Ngữ văn: Không 'bó' tư duy người viết, người chấm

06/07/2024 08:02

Bộ GD&ĐT vừa công bố đáp án, thang điểm bài Ngữ văn Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Nhiều giáo viên đánh giá, đây là định hướng khoa học, chi tiết, rõ ràng, dễ chấm mà vẫn bảo đảm tính sáng tạo, tính mở của từng bài làm.

Đúng tinh thần đổi mới giáo dục, tránh văn mẫu, học vẹt

Trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, Ngữ văn là môn thi tự luận duy nhất. Đề thi được đánh giá có mức độ khó vừa phải, thử thách học sinh ở nhiều khía cạnh khác nhau, từ nhận biết, thông hiểu đến vận dụng thấp, vận dụng cao. Sự phân hoá bảo đảm tính công bằng, phản ánh đúng chất lượng trong quá trình đánh giá năng lực, phẩm chất học sinh THPT.

Với đề thi như vậy, đáp án, thang điểm bài thi Ngữ văn Kỳ thi tốt nghiệp THPT Bộ GD&ĐT mới công bố được cô Hà Thị Khuyên - Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa) đánh giá vừa cụ thể, chi tiết vừa mang tính mở. Điều đó hiện rõ nhất ở phần nhận biết, thông hiểu của phần Đọc hiểu. Riêng câu vận dụng (cũng phần Đọc hiểu), với độ mở lớn, đáp án định hướng giám khảo linh hoạt chấm, linh hoạt cho điểm trong tổng 0,5 điểm của câu 4.

Câu nghị luận xã hội (suy nghĩ về ý nghĩa của việc tôn trọng cá tính), thí sinh có nhiều “dư địa” để bày tỏ quan điểm cá nhân. Yêu cầu về nội dung thể hiện trong đáp án là “có thể theo hướng: Tôn trọng cá tính giúp mỗi người khẳng định giá trị, bản sắc, phát huy năng lực nội tại để phát triển bản thân; biết chung sống hài hoà với mọi người, góp phần tạo nên xã hội tốt đẹp”.

Bên cạnh đó, đáp án còn dành điểm cho các ý xoay quanh vấn đề: Cá tính là gì? Thế nào là tôn trọng cá tính? Việc tôn trọng cá tính mang đến điều gì? Nếu không tôn trọng cá tính sẽ ra sao? Những minh chứng nào cho thấy cá tính được tôn trọng? Việc tôn trọng cá tính có quan trọng không?...

Với câu nghị luận văn học, sự chi tiết thể hiện ở quy định cấu trúc bài văn, các ý cần có trong bài làm. Ý chính cần có là vậy, nhưng khi làm bài thi, thực chất mỗi thí sinh sẽ có cách trình bày khác nhau, mức độ huy động vốn kiến thức, câu từ, hình ảnh để triển khai thành bài viết khác nhau tạo thành “chất riêng” của mình.

Trong thang điểm chấm phần Làm văn (cả câu nghị luận văn học, nghị luận xã hội) luôn có biểu điểm cụ thể cho hình thức, cấu trúc, chính tả, ngữ pháp nhưng cũng luôn dành 0,5 (nửa điểm) ở mỗi câu cho phần sáng tạo.

“Có thể nói, đáp án mà Bộ GD&ĐT công bố rất đúng với tinh thần đổi mới giáo dục, tránh văn mẫu, tránh lối học vẹt, học tủ; vừa kiểm tra đánh giá kiến thức, kỹ năng theo quy định chung của chương trình, vừa ghi nhận sự sáng tạo, dấu ấn cá nhân mỗi thí sinh. Đáp án trở thành “chuẩn chung” để giám khảo ở các hội đồng chấm thi trên toàn quốc làm căn cứ “cầm cân nảy mực”, thuận tiện cho giám khảo chấm thi nhờ các ý, các biểu điểm cụ thể cho mỗi phần, mỗi câu; tránh tạo ra sự vênh lệch quá lớn giữa các giám khảo, các hội đồng chấm”, cô Hà Thị Khuyên nhận định.

Cô Đình Thị Thủy - giáo viên Phenikaa School cho rằng, đáp án, thang điểm bài thi Ngữ văn ngắn gọn, hệ thống từ khóa bảo đảm tính chính xác, phù hợp với yêu cầu cần đạt ở câu hỏi. Mỗi câu hỏi/hệ thống ý của câu hỏi đều có thang điểm cụ thể. Ở những câu mang tính vận dụng, suy luận, đáp án không “bó chặt” tư duy người viết mà định hướng câu trả lời.

Cụ thể, phần Đọc hiểu, câu 1, 2 là câu nhận biết nên đáp án rõ ràng, không làm khó học sinh khi làm bài cũng như không khó khăn đối với giáo viên khi chấm. Câu 3 là câu thông hiểu, đáp án cũng rõ ràng, nhiều học sinh sẽ có câu trả lời đầy đặn, sâu sắc, vượt mức kỳ vọng so với đáp án. Ví dụ, học sinh có thể bổ sung ý: Sự liên tưởng dòng chảy của con sông với lịch sử sáng tạo trong nghệ thuật trong đoạn trích thể hiện thái độ trân trọng thành quả sáng tạo nghệ thuật trong lịch sử của tác giả, đánh thức trách nhiệm và sự nỗ lực sáng tạo cho thế hệ nghệ sĩ hiện tại.

Phần Làm văn nghị luận xã hội, đáp án mang tính gợi dẫn, vì vậy giáo viên với gợi dẫn này sẽ vừa có tính mở để giáo viên chủ động trong việc chấm, xác định mức độ hoàn thành yêu cầu của học sinh, nhưng cũng là “thách thức” khi đáp án chưa định lượng rõ ràng. Thông thường, giáo viên chấm thi sẽ được cung cấp thêm một văn bản hướng dẫn chấm, các thầy cô giám khảo cũng tham gia buổi tập huấn công tác chấm để thảo luận và thống nhất cách chấm, đảm bảo khách quan, chính xác.

Câu nghị luận văn học, hệ thống ý đủ, thang điểm tương đối cụ thể cho từng phần. Tuy vậy, bài văn đòi hỏi khả năng đánh giá, cảm thụ sắc sảo của giám khảo. Đáp án của Bộ GD&ĐT tập trung ý trọng tâm, kết quả bài viết của học sinh còn phụ thuộc vào yếu tố diễn đạt, lập luận... Tất cả những điều này lại thể hiện sinh động, nhiều màu sắc trong các bài làm. Với câu nghị luận văn học, giám khảo cũng sẽ có phần hướng dẫn chấm cụ thể hơn.

khong bo tu duy nguoi viet nguoi cham2.jpg
Thí sinh vui mừng hoàn tất Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh minh họa: INT

Tiền đề cho đổi mới kiểm tra, đánh giá Ngữ văn

Cô Nguyễn Thị Giang Hương - Trường THPT Trần Quang Khải (Hưng Yên) nhận định đáp án Bộ GD&ĐT đưa ra khoa học, logic, phù hợp với đặc trưng bộ môn Ngữ văn. Thang điểm các phần rõ ràng, thuận lợi cho giám khảo khi chấm điểm từng nội dung trong bài thi của thí sinh.

Cụ thể, ở phần Đọc hiểu, đề thi sử dụng ngữ liệu là một đoạn văn trích từ bài viết “Dòng sông và những thế hệ của nước”, tác giả Nguyễn Quang Thiều, nội dung sâu sắc và ngôn ngữ giàu hình ảnh. Cô Hương nhận định, với câu hỏi 1, 2 ở mức độ nhận biết, đáp án đưa ra chi tiết, ngắn gọn, đủ ý, thang điểm 0,75/câu, hầu như học sinh nào cũng có thể làm được. Câu 3 (mức độ thông hiểu) đòi hỏi học sinh phải tư duy được cho 1 điểm, đáp án định hướng giúp giám khảo chấm bài căn cứ vào cách trình bày cụ thể của học sinh để cho điểm. Câu 4 (mức độ vận dụng), đáp án cũng chi tiết nội dung, biểu điểm.

Phần Làm văn, câu nghị luận xã hội yêu cầu học sinh trình bày suy nghĩ về “ý nghĩa của việc tôn trọng cá tính”. Để hoàn thành câu hỏi này, học sinh thực hiện đúng kỹ năng viết đoạn văn nghị luận xã hội: Bàn luận về ý nghĩa của vấn đề, lấy những dẫn chứng đời sống để minh họa và rút ra bài học bản thân.

Đáp án được chia thành 5 mục nhỏ. Từ yêu cầu về hình thức đến nội dung của đoạn văn rất khoa học, thang điểm chi tiết, các luận điểm, luận cứ được đưa ra mang tính định hướng mở, khái quát giúp giám khảo căn cứ trên từng bài làm cụ thể để chấm. Học sinh được thể hiện sự sáng tạo, cùng hiểu biết, quan điểm của bản thân trong bài làm.

Câu nghị luận văn học, đáp án đưa ra những yêu cầu cụ thể cả về nội dung và hình thức trình bày. Tất cả rất chi tiết, dễ theo dõi, biểu điểm rõ ràng, đảm bảo tính khoa học, chặt chẽ của bộ môn; đáp ứng tính ứng dụng linh hoạt khi học sinh trình bày cách hiểu, cách cảm của mình về nội dung đoạn trích. Đáp án cũng dành khoảng mở cho phần học sinh bày tỏ quan điểm, chính kiến, sự sáng tạo khi nêu ra nhận xét về sự kết hợp giữa cảm xúc và suy tư của Nguyễn Khoa Điềm trong đoạn thơ.

“Có thể nói, đáp án đưa ra có tính mở, giúp giám khảo có thể nhận ra những chất riêng mới mẻ, độc đáo, ấn tượng của học sinh bộc lộ trong bài làm. Đây là tiền đề cho sự đổi mới cách kiểm tra, đánh giá học sinh từ năm 2025 với môn Ngữ văn nói riêng và các môn học khác nói chung”, cô Hương chia sẻ.

“Môn Ngữ văn, với đặc thù riêng có, vừa đòi hỏi thí sinh tuân thủ những quy chuẩn chung về kiến thức, kỹ năng, vừa đòi hỏi sự sáng tạo riêng biệt. Đáp án của Bộ GD&ĐT đã hướng đến, đánh giá, ghi nhận cả hai yếu tố đó”, cô Hà Thị Khuyên cho biết.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/dap-an-thang-diem-bai-thi-ngu-van-khong-bo-tu-duy-nguoi-viet-nguoi-cham-post690442.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/dap-an-thang-diem-bai-thi-ngu-van-khong-bo-tu-duy-nguoi-viet-nguoi-cham-post690442.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đáp án, thang điểm bài thi Ngữ văn: Không 'bó' tư duy người viết, người chấm