Mức độ sụt giảm diễn ra ở hầu hết tất cả các thị trường vùng ven, song giá rao bán có sự phân hóa. So với cuối năm 2022, giá rao bán đất nền tăng khoảng 2 - 5% tại Đồng Nai và Bình Dương nhưng giảm khoảng 6% tại Long An và Bà Rịa – Vũng Tàu.
Ngoài ra, giá rao bán đất nền tại một số tỉnh ven biển miền Trung cũng có xu hướng giảm. Cụ thể, đất nền các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa giảm khoảng 2 - 11%. Bình Thuận là tỉnh ven biển hiếm hoi chứng kiến sự tăng giá rao bán đất nền lên đến 25% so với quý liền trước.
Ông Tuấn cho biết, mức độ quan tâm đến đất nền ven biển không có nhiều biến động sau khi Nghị định 10 vừa được ban hành, bổ sung quy định cấp giấy chứng nhận sở hữu công trình cho căn hộ khách sạn, condotel, officetel, biệt thự du lịch nghỉ dưỡng trên đất thương mại, dịch vụ nếu đủ điều kiện.
Riêng đối với phân khúc đất nền dự án tại thị trường TP HCM và vùng phụ cận, theo thống kê của DKRA, quý I/2023 ghi nhận 8 dự án mở bán với nguồn cung khoảng 385 sản phẩm, giảm đến 79% so với cùng kỳ năm 2022. Lượng tiêu thụ mới đạt 78 nền, giảm 94% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thị trường đất nền vùng phụ cận tiếp tục giữ vị thế chủ lực khi nguồn cung mới tập trung chủ yếu ở Long An và Bình Dương. Riêng TP HCM hiếm hoi xuất hiện nguồn cung mới sau thời gian dài vắng bóng dự án, đóng góp gần 14% vào tổng cung thị trường. Mặt bằng giá bán mới trong quý có mức tăng trung bình 5 - 7% so với cùng kỳ năm 2022, mức tăng tập trung ở những dự án hoàn thiện pháp lý và tiến độ hạ tầng tốt.
Chuyên gia DKRA dự báo, nguồn cung phân khúc đất nền trong quý II tại khu vực nói trên sẽ tăng nhẹ so với 3 tháng đầu năm, dao động khoảng 450 - 600 nền, tập trung chủ yếu tại các vùng phụ cận như Bình Dương, Long An, Đồng Nai. Mặt bằng giá sơ cấp tiếp tục xu hướng đi ngang nhằm kích cầu thị trường.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn nhận định: “Sở dĩ đất nền một số địa phương vẫn có xu hướng tăng giá rao bán là do kỳ vọng của người mua. Nếu đất ở những khu vực có hạ tầng, tiện ích tốt, hay cạnh khu công nghiệp thì mặt bằng giá sẽ ổn định và có dư địa tăng. Còn những loại đất đầu tư không có giá trị sử dụng cao, mua xong để đó thì giá sẽ giảm. Những tỉnh có lượng FDI lớn hầu hết có mặt bằng giá đất nền ổn định, ít khi sụt giảm sâu.”
Vị này cũng cho rằng trong năm 2023 sẽ không xảy ra cơn sốt đất trên diện rộng. Bởi thị trường bất động sản đang ở trạng thái trầm lắng, thanh khoản thấp, đặc biệt là loại hình đất nền.
Tuy nhiên, xét về dài hạn, đất nền vẫn là loại hình đầu tư tiềm năng nếu biết lựa chọn những sản phẩm đất nền có giá trị sử dụng cũng như khả năng khai thác tạo ra dòng tiền trên chính sản phẩm đó như có thể xây nhà trọ, khà kho, công xưởng hoặc trở thành căn nhà thứ hai. Hiện nay, tỷ lệ đô thị hoá của Hà Nội khoảng 49% và TP HCM khoảng 70%, cả nước ta có 8 tỉnh thành có tỷ lệ đô thị hoá trên 50%. Như vậy, vẫn còn dư địa phát triển và nhu cầu về đất đai luôn hiện hữu.