(GDTĐ) - Những năm qua, thực hiện Chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa (SGK) theo Nghị quyết số 88 của Quốc hội đã cho thấy, đó là một một hướng đi đúng và theo chiều tiến bộ.
Trước một hoạch định lớn mang tầm chiến lược của giáo dục nước nhà, Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất bản – Thiết bị Giáo dục Việt Nam (VEPIC) đã vào cuộc với quyết tâm chính trị cao dù biết rằng đây là một thách thức không nhỏ, tiền ẩn lắm rủi ro. Qua đó, đã tạo nền tảng để phá thế độc quyền của các cơ quan hoặc nhóm lợi ích, đồng thời huy động được trí tuệ của xã hội một cách rộng rãi và quan trọng hơn cả là việc tiếp cận tri thức được diễn giải một cách phong phú, đa chiều, kích thích tư duy sáng tạo của thầy và trò.
Chủ trương “Một chương trình nhiều bộ sách” đã được Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất bản – Thiết bị Giáo dục Việt Nam (VEPIC) hiện thực hoá thông qua triển khai thực hiện thông qua việc phối hợp với NXB Đại học Sư phạm (Hà Nội), NXB Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, NXB Đại học Huế để tổ chức biên soạn, liên kết xuất bản bộ sách Cánh Diều.
Đây được coi là bộ sách mang tính tiên phong trong việc xóa bỏ cơ chế độc quyền sách giáo khoa và được xây dựng theo hướng lấy người học làm trung tâm, nội dung mang nhiều điểm nhấn sáng tạo, hình thức tươi sáng, bắt mắt. Có lẽ chính nhờ thế mà bộ sách này được hầu hết các tỉnh thành phố lựa chọn, đưa và giảng dạy tại 28.000 trường học.
Qua tìm hiểu chương trình giáo dục phổ thông của bộ sách Cánh diều, đặc biệt là sách Tiếng Việt và Ngữ văn, chúng tôi nhận thấy Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất bản - Thiết bị Giáo dục Việt Nam đã có ý thức trách nhiệm xã hội rất cao đối với nhiệm vụ giúp học sinh hình thành nhân cách, đạo đức, bước đầu được trang bị những kiến thức cơ bản để chuẩn bị cho bậc học cao hơn thông qua việc giáo dục học sinh lòng yêu nước, ý thức công dân và những phẩm chất “làm người” cần thiết.
Một cách tổng quan, kết cấu xây dựng nội dung cả cuốn sách hay từng bài học đơn lẻ đều cho thấy mục tiêu rõ nét là giúp học sinh “nhận biết và phân tích, cảm thụ tác phẩm văn học dựa vào đặc điểm phong cách văn học; có trí tưởng tượng phong phú, biết thưởng thức, tiếp nhận và đánh giá văn học”.
Để thực hiện hiệu quả mục tiêu quan trọng đó, các tác phẩm được lựa chọn đưa vào giảng dạy phải là những tác phẩm đồng thời có giá trị nghệ thuật cao, nội dung phản ánh mang tính giáo dục đạo đức, thẩm mỹ phù hợp với từng lứa tuổi, cấp học. Điều đó lí giải vì sao rất nhiều các tác phẩm của các nhà văn áo lính đã và đang công tác trong quân đội được Ban biên soạn sách lựa chọn để đưa vào bộ sách Cánh Diều.
Qua thống kê, có thể thấy được 4 thế hệ nhà văn quân đội từ thời kỳ chống Pháp cho đến nay với 32 lượt trích dẫn tác phẩm trong cả bộ sách. Một số tác phẩm đã nổi tiếng và được đưa vào sách giáo khoa bộ cũ từ lâu, song cũng có nhiều tác phẩm được sáng tác trong thời gian gần đây. Nội dung các tác phẩm thuộc phạm trù phản ánh khác nhau như cách mạng, bộ đội, thiếu nhi, thiên nhiên, dân tộc miền núi, bài học đạo đức… phù hợp với định hướng chung của sách giáo khoa về cách tiếp cận văn bản đọc hiểu.
Trong bộ sách dành cho cấp Tiểu học, có thể kể đến các tác giả như Trần Đăng Khoa với 10 bài thơ gồm “Kể cho bé nghe, Con trâu đen lông mượt, Đi tàu hỏa, Tiếng võng kêu, Nghe thầy đọc thơ, Gửi theo các chú bộ đội…”; Ngô Văn Phú với 3 bài thơ “Tiếng vườn, Chõ bánh khúc của dì tôi, Chiền chiện bay lên”; Hữu Thỉnh với tác phẩm “Để lại cho em”, Thanh Tịnh với “Nhớ lại buổi đầu đi học”, Anh Ngọc với “Bay trên mái nhà của mẹ”, Nguyễn Đức Mậu “Khi bé Hoa ra đời”, Duy Khán với bài “Quà của bố”, Hồ Phương và tác phẩm “Đàn bò gặm cỏ”, Xuân Sách với “Chiến công của những du kích nhỏ”, Thanh Quế với “Tiếng chim”, Phùng Quán với trích đoạn “Ở lại với chiến khu”, Phạm Vân Anh với 03 tác phẩm “Chú công an”, Muôn sắc hoa tươi, Tình bạn”… Bậc Trung học cơ sở có sự hiện diện của các tác giả Thanh Tịnh với tác phẩm “Tôi đi học”, Đỗ Bích Thúy và “Chuỗi hạt cườm màu xám”, Đoàn Minh Tâm có “Cấu trúc trong bài thơ Bếp lửa”. Bậc Trung học phổ thông gồm những tác giả Sương Nguyệt Minh với “Người ở bến sông Châu”, Trần Đăng Khoa với “Lính đảo hát tình ca”, Nguyễn Khải “Một người Hà Nội” và Nguyễn Minh Châu với “Chiếc thuyền ngoài xa”.
Khi được biết mình có tới 11 tác phẩm được lựa chọn trong bộ sách Cánh diều ở bậc Tiểu học và Trung học Phổ thông, Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã rất vui. Ông nhận thấy các tác phẩm của mình được đưa vào giảng dạy tại nhiều cụm chủ điểm khác nhau tạo nên tính sinh động và tăng tương tác kết nối đọc hiểu, bình giảng giữa giáo viên và học sinh.
Còn nhà lý luận phê bình Đoàn Minh Tâm cũng cho biết, đoạn trích “Cấu trúc trong bài thơ Bếp lửa” nằm trong một bài phê bình mà anh tâm đắc về tác phẩm của nhà thơ Bằng Việt. Đọc toàn bộ bài học trong sách giáo khoa ngữ văn lớp 9, chúng tôi nhận thấy ngữ liệu trong tác phẩm của anh cùng phương pháp bình luận, phân tích tác phẩm trực quan, dễ áp dụng đã được các tác giả lựa chọn để giảng dạy, mở ra một hình mẫu làm bài văn nghị luận cho học sinh cuối cấp II là rất phù hợp.
Với góc nhìn từ phía những nhà văn áo lính cùng tác phẩm của họ được biên soạn thành các bài học giàu ý nghĩa biểu đạt, nhiều cảm xúc về chân – thiện - mỹ, tình yêu quê hương đất nước, con người và trách nhiệm với cộng đồng đã cho thấy trí tuệ và tâm huyết của các tác giả bộ sách Cánh Diều. Đồng thời một lần nữa minh chứng, sự góp mặt của đông đảo các nhà văn quân đội đã khẳng định dù trong quá khứ hay trong hiện tại, tác phẩm được sáng tạo bởi các nhà văn - chiến sĩ vẫn luôn có giá trị cao, nguồn tài liệu phong phú, chất lượng và đáng tin cậy của Ban biên soạn sách giáo khoa Cánh diều.