Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc TT Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, methanol được dùng làm dung môi tẩy sơn, véc ni, trong sơn, dung môi công nghiệp, chất tẩy rửa, làm sạch, lau chùi, các loại nhiên liệu thay thế cho động cơ, làm nguyên liệu cho sản xuất nhiều hóa chất, sản phẩm khác nhau.
Methanol là hóa chất rất độc, không được uống, tác dụng sát trùng cũng rất kém. Tuy nhiên, ở Việt Nam, do lượng hóa chất methanol nhiều lại chưa được kiểm soát tốt, dẫn tới lượng lớn hóa chất methanol bị “tuồn” ra ngoài.
Kẻ xấu hoặc nhiều nhà sản xuất không chính đáng dùng methanol đóng chai thành các loại rượu rởm. Nhiều loại cồn sát trùng, cồn y tế rởm... đã và đang gây tử vong, ngộ độc và di chứng nặng nề cho nhiều người.
Cách methanol xâm nhập vào cơ thể
Methanol ở dạng lỏng, được hấp thu và gây ngộ độc dễ dàng qua đường tiêu hóa, qua da hoặc qua đường hô hấp.
Do methanol được cơ thể chuyển hóa và thải trừ chậm, gây ngộ độc cũng chậm nên khi tiếp xúc mức độ ít nhưng kéo dài hoặc lặp lại (hay gặp trong lao động) sẽ tích lũy dần và gây ngộ độc nhiều ngày sau. Hoặc người có thể tiếp xúc với methanol liều cao một lần nhưng không biết và tới 1-2 ngày sau mới biểu hiện nhiễm độc.
Ngộ độc cấp tính: Mờ mắt, giảm thị lực, mù, đau đầu, buồn nôn, nôn, rối loạn ý thức, hôn mê, co giật, tổn thương não, nhiễm toan chuyển hóa, sốc, tổn thương đa tạng, tử vong hoặc di chứng mù mắt, giảm thị lực, hôn mê, rối loạn vận động…
Ngộ độc mạn tính: Đau đầu, chóng mặt, choáng váng, mất ngủ, viêm kết mạc, nhìn mờ, mù.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên cho biết thêm, các biểu hiện ngộ độc methanol thường muộn nên người dân cần chủ động đi khám khi có nghi ngờ. Người lao động tiếp xúc với methanol cần được khám sức khỏe thường xuyên, trong đó bắt buộc khám đánh giá kỹ về mắt và thần kinh trung ương.