TRUNG QUỐC - Ngành công nghiệp giáo dục sớm thường khai thác tâm lý của phụ huynh rằng ‘các phương pháp khoa học’ và giáo dục tiếng Anh sớm là chìa khóa cho sự thành công trong tương lai của trẻ.
Tại Trung Quốc, cuộc đua về giáo dục mầm non đã đạt đến mức chưa từng có. Các bậc phụ huynh quốc gia tỷ dân đang ngày càng tin rằng những năm đầu đời sẽ quyết định cho sự thành công trong tương lai của trẻ.
Nhu cầu này đã dẫn đến sự bùng nổ của thị trường các chương trình giáo dục đặc biệt cho trẻ nhỏ. Các công ty thường khai thác tâm lý của các bậc phụ huynh muốn áp dụng phương pháp "khoa học" trong việc nuôi dạy con cái. Thị trường này được thúc đẩy bởi suy nghĩ phổ biến rằng can thiệp giáo dục sớm, đặc biệt là tiếp cận với tiếng Anh, là cần thiết để đảm bảo thành công và thành tựu học thuật lâu dài của trẻ.
Tin vào triết lý rằng mọi thành công trong đời phụ thuộc những năm đầu tiên, phụ huynh Trung Quốc đăng ký các lớp giáo dục ngoại ngữ sớm cho trẻ 0-4 tuổi.
Đáp lại, các bậc phụ huynh Trung Quốc ngày càng đầu tư vào những chương trình hứa hẹn nâng cao sự phát triển trí não và tiềm năng tương lai của con cái họ.
PGS Phạm Khiết Quỳnh tại Đại học Sư phạm Trung Quốc chia sẻ trải nghiệm trực tiếp của bà với tờ Sixth Tone. Theo PGS. Khiết Quỳnh, quy mô ngành công nghiệp giáo dục sớm rất lớn.
Cũng là một người mẹ, bà kể nhiều lần nhận được các cuộc gọi bán những khóa dạy trẻ sơ sinh tập bò và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bò sớm đối với sự phát triển não bộ. Chi phí của các chương trình như vậy thường khá lớn.
“Khi con trai tôi chưa đầy nửa tuổi, tôi nhận được một cuộc gọi tiếp thị dạy trẻ sơ sinh cách bò. Người gọi cho biết mức học phí là 10.000 NDT (khoảng 35 triệu VNĐ) và tự hào thông báo mọi trẻ em trong chương trình đều biết bò trong vòng 2 tháng học”, PGS. Khiết Quỳnh kể.
Với tư cách phó giáo sư có nhiều năm nghiên cứu về sự phát triển của trẻ và nền giáo dục, Khiết Quỳnh biết rằng đại đa số trẻ sơ sinh đều tự học cách bò vào 5-6 tháng tuổi nên đã phớt lờ những lời chào mời này. Tuy nhiên, kể cả khi bà đã từ chối, những cuộc gọi tương tự vẫn xuất hiện.
"Trong 2 năm tiếp theo, tôi liên tục phải nói ‘không’ với hàng trăm cuộc điện thoại tiếp thị, từ dạy bơi đến 'liệu pháp tương tác giác quan' hay các khóa học giúp trẻ 'nghe lời' bố mẹ hơn".
Nỗi lo ‘tụt hậu’ và kỳ vọng xã hội
Sức hút của các chương trình giáo dục sớm này liên quan chặt chẽ đến diễn ngôn hiện đại được lưu truyền tại Trung Quốc về "nuôi dạy khoa học". Diễn ngôn này nhấn mạnh rằng những năm đầu đời của trẻ là rất quan trọng cho sự phát triển nhận thức và cần thiết để đạt được kết quả phát triển tối ưu.
“Ý tưởng rằng tương lai của trẻ được quyết định trong 3 năm đầu đời đã trở thành niềm tin của các bậc phụ huynh hiện đại tại Trung Quốc”, PGS tại Đại học Sư phạm Trung Quốc chia sẻ. Đây như một cuộc chiến của các bậc phụ huynh bởi gia đình nào cũng bị ám ảnh ít nhiều việc cho con cái tiếp cận cơ hội giáo dục tốt nhất. Điều này tạo ra một thị trường giáo dục khổng lồ tại đất nước đông dân nhất thế giới.
Các chương trình giáo dục thường quảng cáo là dựa trên nghiên cứu khoa học mới nhất. Điều này tạo được sự đồng cảm với các bậc phụ huynh bởi họ cảm thấy bị buộc phải tuân theo các tiêu chuẩn hiện đại trong việc nuôi dạy con cái.
PGS Khiết Quỳnh chia sẻ, con bà tham gia một lớp học nghệ thuật bằng tiếng Anh dành cho trẻ nhỏ với chương trình giảng dạy hứa hẹn sẽ đồng thời phát triển kỹ năng nghệ thuật và khả năng ngoại ngữ.
Buổi đầu tiên, các em tham gia một buổi học nghệ thuật được dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Giờ học bắt đầu với việc một giáo viên nước ngoài hướng dẫn bốn trẻ 2-4 tuổi cắt giấy thành hình tam giác, uốn một thanh thép thẳng thành hình xoắn ốc.
Đây là những việc mà ngay cả được chỉ dạy bằng tiếng mẹ đẻ còn khó với trẻ, đừng nói là bằng tiếng Anh. Do đó, các em đều gặp nhiều khó khăn khi làm theo hướng dẫn. Cuối cùng, các phụ huynh phải nỗ lực dịch lời giáo viên sang tiếng mẹ đẻ cho trẻ hiểu và làm theo.
Dẫu việc học bằng tiếng Anh khá phức tạp và thách thức đối với giai đoạn phát triển này của trẻ nhưng sự nhấn mạnh vào các phương pháp tiên tiến và được giáo viên nước ngoài giảng dạy đã tạo ra sức hấp dẫn mạnh đối với nhiều gia đình Trung Quốc.
Theo các chuyên gia, thị trường giáo dục tiếng Anh cho trẻ nhỏ tại Trung Quốc phản ánh một xu hướng văn hóa rộng lớn hơn về giáo dục mầm non vốn được thúc đẩy bởi nỗi lo của bố mẹ về sự “tụt hậu” của trẻ với các bạn đồng trang lứa và các kỳ vọng xã hội.
Hiệu quả và lợi ích thực sự của chúng vẫn là chủ đề của cuộc tranh luận. Đối với các bậc phụ huynh có con trong giai đoạn này, điều quan trọng là cân bằng giữa việc theo đuổi các lợi ích giáo dục sớm và việc đánh giá một cách kỹ càng về các nội dung của chương trình và xem xét nhu cầu cá nhân cũng như cân nhắc giai đoạn phát triển của trẻ.
Các khoản đầu tư giáo dục sớm có thể tác động tới sự phát triển và sức khỏe của trẻ. Thách thức nằm ở việc phân biệt các chương trình nào mang lại lợi ích phát triển thực sự và các chương trình nào chỉ đơn giản là khai thác nỗi lo lắng của phụ huynh để kiếm lợi.
Trong khi thị trường học tiếng Anh từ sớm bùng nổ tại quốc gia tỷ dân thì cũng ngày càng có nhiều đề xuất chính sách cắt giảm việc học ngoại ngữ này trong chương trình giáo dục.
Một số đại biểu trong kỳ họp Lưỡng hội Trung Quốc 2023 đã đề xuất loại bỏ các lớp tiếng Anh cho học sinh lớp một và lớp hai, và để tiếng Anh thành môn tự chọn thay vì môn bắt buộc trong các kỳ thi tuyển sinh trung học phổ thông (Trung khảo) và kỳ thi tuyển sinh đại học (Cao khảo).
Năm 2017, các cuộc thăm dò cho thấy phần lớn công chúng Trung Quốc ủng hộ việc hạ số điểm tiếng Anh trong kỳ thi Cao khảo. Năm 2021, chính quyền thành phố Thượng Hải đã cấm các trường tiểu học địa phương tổ chức các kỳ thi tiếng Anh. Học sinh tiểu học sẽ chỉ làm bài kiểm tra cuối kỳ môn Toán và tiếng Trung.