Đầu tư cho giáo dục: Cần xứng tầm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao

26/06/2022, 22:38
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Đầu tư cho giáo dục của Việt Nam còn thấp trong so sánh quốc tế, cả về giáo dục phổ thông và đại học. Trong bối cảnh này, giáo dục Việt Nam, đặc biệt là giáo dục phổ thông vẫn có những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, để đi xa và bền vững, chúng ta cần đầu tư xứng tầm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao đối với giáo dục.

TS Đặng Tự Ân cũng nêu một thực tế: Trong cơ cấu chi cho giáo dục của hộ gia đình, khoản chi chiếm tỷ trọng lớn là học phí, học thêm (tới 52%). Như vậy, có thể thấy giáo dục đóng vai trò quan trọng trong chi tiêu hộ gia đình Việt Nam. Từ thực tế trên, nhìn dưới góc độ chính sách, Nhà nước cần nâng cao hơn nữa việc thực thi các chính sách công về giáo dục để san sẻ gánh nặng với các hộ gia đình, tạo điều kiện để việc tiếp cận dịch vụ giáo dục có thể đến với mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội.

Người dân Việt Nam có thể thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu ở, nhưng vẫn dành toàn bộ số tiền mình có để đầu tư giáo dục cho con. Giáo dục Việt Nam dù có mức đầu tư khiêm tốn, hiệu quả lại đang được đánh giá cao nhất. Do đó, nếu chúng ta không dành phần đầu tư thỏa đáng cho giáo dục có lẽ đi ngược lại so với mong muốn, mong đợi của người dân.

Trên quan điểm đầu tư cho giáo dục là đầu tư để phát triển, TS Đặng Tự Ân đề xuất các giải pháp ưu tiên tập trung vào các mục tiêu. Theo đó, đầu tiên cần tập trung ưu tiên cho phổ cập giáo dục, không bỏ rơi bất kỳ trẻ khó khăn nào. Hướng nghiệp để phân luồng sau THCS cho số đông học sinh. Coi trọng và ưu tiên giáo dục miền núi, dân tộc ít người, vùng sâu, vùng xa và các đối tượng khó khăn khác.

Đầu tư đào tạo đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục cả về số lượng và chất lượng - đây là đội ngũ quyết định chất lượng đổi mới giáo dục. Có cơ chế, chính sách ưu tiên trong việc xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, học liệu cho các trường học. Cải thiện đời sống tinh thần cho giáo viên và học sinh. Xây dựng môi trường học đường lành mạnh trên cơ sở phát triển mạnh mẽ việc xây dựng trường học hạnh phúc trong toàn ngành.

Đầu tư thấp trong so sánh quốc tế

TS Nguyễn Văn Cường, ĐH Potsdam (CHLB Đức) dẫn số liệu từ báo cáo tài chính giáo dục năm 2021 của Đức do cơ quan thống kê liên bang thực hiện theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Khoa học liên bang; trong đó có một số dữ liệu về đầu tư tài chính cho giáo dục của Đức cũng như của các nước OECD và EU. Cụ thể, tổng ngân sách chi cho giáo dục Đức năm 2018 là 4,3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Trong đó ngân sách chi cho giáo dục phổ thông và sau phổ thông, không bao gồm giáo dục đại học (trình độ đào tạo 1 - 4) khoảng 3% và ngân sách chi cho giáo dục đại học (trình độ đào tạo 5 - 8) là 1,2%.

Tổng ngân sách chi cho giáo dục (tính trung bình) của khối OECD năm 2018 là 4,9% GDP. Trong đó ngân sách chi cho giáo dục phổ thông và sau phổ thông, không bao gồm giáo dục đại học xấp xỉ 3,4%; ngân sách chi cho giáo dục đại học là 1,4%. Tổng ngân sách chi cho giáo dục (tính trung bình) của khối EU năm 2018 là 4,4% GDP. Trong đó ngân sách chi cho giáo dục phổ thông và sau phổ thông, không bao gồm giáo dục đại học là 3,2%; ngân sách chi cho giáo dục đại học là 1,2%.

Theo số liệu của Việt Nam, hiện tổng đầu tư cho giáo dục là 3,8% GDP, trong đó đầu tư cho giáo dục đại học là 0,33% GDP. Từ các dữ liệu trên cho thấy, đầu tư cho giáo dục của Việt Nam thấp so với các nước OECD và EU. Đặc biệt là đầu tư cho giáo dục đại học của Việt Nam là rất thấp trong so sánh quốc tế. Theo dữ liệu trên, đầu tư cho giáo dục đại học của Đức nhiều gấp 3,63 lần của Việt Nam nếu tính theo tỷ lệ GDP. Các nước OECD đầu từ bình quân cho giáo dục đại học gấp 4,2 lần Việt Nam.

TS Nguyễn Văn Cường đồng thời cho rằng, nếu chú ý đến giá trị thực tế của GDP sẽ thấy rõ hơn sự khác biệt về đầu tư cho giáo dục trong so sánh quốc tế. Ví dụ GDP năm 2021 của Đức là 4.230 tỷ đô la, GDP của Việt Nam là khoảng 340,6 tỷ USD. Có thể tính ra mức tài chính đầu tư cho giáo dục đại học ở Đức là khoảng 50,6 tỷ đô la, ở Việt Nam là 1,12 tỷ đô la. Như vậy, đầu tư cho giáo dục đại học ở Đức tính theo số tiền thực tế gấp khoảng 45 lần Việt Nam, trong khi GDP của Đức năm 2021 gấp khoảng 12,5 lần Việt Nam.

Từ những so sánh trên có thể thấy, Việt Nam cần tăng cường hơn nữa mức đầu tư cho giáo dục ở tất cả các cấp, đặc biệt đối với giáo dục đại học. Nhấn mạnh điều này, theo TS Nguyễn Văn Cường, từ kinh nghiệm quốc tế, mặc dù tỷ lệ đầu tư cho giáo dục của các nước OECD hay EU cao hơn Việt Nam nhiều, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu và kỳ vọng cho việc phát triển giáo dục. Các nước đều phải tìm kiếm các nguồn lực khác nhau để tăng cường đầu tư cho giáo dục. Trong đó đầu tư công của nhà nước, địa phương, nguồn lực từ tư nhân, đầu tư quốc tế. “Việc tăng cường đầu tư cho giáo dục đi đôi với tăng cường trách nhiệm và tính tự chủ của cơ sở giáo dục, cũng như thực hiện các biện pháp bảo đảm chất lượng giáo dục” - TS Nguyễn Văn Cường nêu quan điểm.

Bước vào giai đoạn 2021 - 2025, số học sinh phổ thông cả nước tăng thêm so với giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 8 triệu học sinh, kéo theo ngân sách chi thường xuyên cho ngành Giáo dục sẽ tăng theo, tỷ lệ GDP dành cho giáo dục cũng không thể thấp hơn so với giai đoạn trung hạn cũ. Hiện nay, phòng học bán kiên cố khối phổ thông có khoảng 64.297 phòng, đặc biệt 3.969 phòng học tạm, sẽ xuống cấp theo từng năm. Chỉ có thể kiên cố phòng học bằng ngân sách Nhà nước mà không thể huy động nguồn từ xã hội hóa vì các phòng học phi kiên cố này thuộc vùng đặc biệt khó khăn; đòi hỏi nguồn ngân sách không nhỏ để đầu tư, nâng cấp. - TS Đặng Tự Ân

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/dau-tu-cho-giao-duc-can-xung-tam-dap-ung-yeu-cau-ngay-cang-cao-post598446.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/dau-tu-cho-giao-duc-can-xung-tam-dap-ung-yeu-cau-ngay-cang-cao-post598446.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đầu tư cho giáo dục: Cần xứng tầm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao