Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay hầu hết các trường nghề đều đã đầu tư xây dựng thư viện số và bắt đầu quá trình chia sẻ với các trường khác. Ngay từ năm 2021, Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng đã hợp tác liên thư viện và chia sẻ nguồn tài nguyên thông tin với Trường CĐ Công thương TPHCM và Trường Trung cấp Nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương.
TS Lê Đình Kha - Hiệu trưởng Trường CĐ Cao Thắng cho biết, việc ký kết nhằm đa dạng hóa nguồn tài liệu, đem lại sự phục vụ tốt nhất cho giảng viên, học sinh, sinh viên đã góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu, phục vụ công tác giảng dạy của giảng viên và nâng cao khả năng tự học, tự nghiên cứu của sinh viên.
Việc chia sẻ cho bạn đọc dưới hình thức khai thác nguồn tài liệu liên thư viện, truy cập cơ sở dữ liệu nội sinh giữa các trường, cho thấy sự phù hợp, sự thích ứng với điều kiện và nhu cầu thực tế, đem lại rất nhiều lợi ích thiết thực. Đây cũng là cơ hội lớn để thư viện các trường tiếp tục tăng tốc hiện đại hóa thư viện; liên kết, chia sẻ và dùng chung sản phẩm, dịch vụ nhằm tạo cộng đồng thư viện lớn mạnh cùng phát triển.
Một số trường nghề khác như CĐ Kỹ thuật - du lịch Sài Gòn cũng đã trang bị hệ thống thư viện số, giúp sinh viên tiếp cận với nhiều nguồn tài liệu tham khảo, thuận tiện cho việc tự học. Với dữ liệu ở mỗi khoa có khoảng 1.000 câu hỏi, sinh viên có thể tra cứu tài liệu phục vụ môn học và trau dồi thêm các kiến thức mở rộng bổ sung cho chuyên ngành chính.
Theo kế hoạch triển khai Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của UBND TPHCM, một trong 7 nhiệm vụ của trường nghề là đầu tư hạ tầng, nền tảng, thiết bị và học liệu số. Trong đó, cho phép các trường thuê hoặc hợp tác công tư để đầu tư hạ tầng số, thiết bị thực tập số, phòng thí nghiệm, xưởng thực hành ảo, phòng học thông minh... phục vụ cho quá trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp. Thời gian thực hiện nằm trong giai đoạn từ 2024 - 2030.
Tuy vậy, theo nhìn nhận của một chuyên gia, việc đầu tư xưởng thực hành ảo hay phòng học thông minh cho các trường nghề là nhiệm vụ... bất khả thi. Bởi lẽ, chi phí để đầu tư cho xưởng thực hành ảo có khi còn cao hơn xưởng thực hành thực tế. Một lãnh đạo trường cao đẳng nghề cho hay, để có đủ trang thiết bị thực hành cho sinh viên, trường nghề phải đầu tư dần dần, mua sắm dần dần theo kiểu tích tiểu thành đại, mưa dầm thấm lâu thì mới có để sử dụng. Bây giờ, tập trung đầu tư cả hàng tỉ đồng cho xưởng thực hành ảo thì gần như là điều không thể.
Tuy không có xưởng thực hành ảo hay phòng học thông minh nhưng một số trường nghề có cách riêng đầy sáng tạo. Chẳng hạn, sinh viên ngành chăm sóc sức khỏe như điều dưỡng, hộ sinh, chăm sóc da tại Trường CĐ Viễn Đông có thể học kết hợp mô hình thực tế và mô hình mô phỏng trên ứng dụng khi quét mã QR.
“Những mô hình cơ thể người để học thực hành đều được nhập khẩu từ Đức và đính kèm mã QR. Sinh viên sẽ được giáo viên cung cấp mã QR để tự nghiên cứu học tập trước khi đến lớp. Những mô hình 3D hiển thị rõ ràng và chi tiết tên từng bộ phận cơ thể người. Với cách học kết hợp mô hình thực tế và 3D trên điện thoại, sinh viên dễ dàng hình dung và nhớ được tên gọi, vị trí của từng bộ phận cơ thể người”, ThS Nguyễn Thị Ngọc Bích cho hay.
“Dù đã bắt đầu triển khai chuyển đổi số nhưng hiện nay các trường nghề vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức: Trình độ và nhận thức về ứng dụng công nghệ để dạy học vẫn chưa đồng đều giữa các giảng viên; Chi phí đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị để chuyển đổi số vẫn còn lớn khiến các trường nghề chưa dám mạnh tay đầu tư”.