Nhiều cơ sở giáo dục đại học triển khai chương trình chuẩn nước ngoài, trong đó, dạy - học bằng ngoại ngữ được xem là khác biệt cơ bản nhất.
Cùng với chương trình đào tạo tiêu chuẩn, nhiều cơ sở giáo dục đại học triển khai chương trình chuẩn nước ngoài, trong đó, dạy - học bằng ngoại ngữ được xem là khác biệt cơ bản nhất. Sự dịch chuyển này đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao của xã hội, đón đầu chủ trương đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.
Năm học 2022 - 2023, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) tuyển sinh chương trình Kinh doanh quốc tế giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Sinh viên trúng tuyển vào chương trình này phải có điểm IELTS từ 5.5 trở lên hoặc một số chứng chỉ ngoại ngữ quy đổi tương đương theo yêu cầu đầu vào của nhà trường.
Sang năm học 2023 - 2024, nhà trường mở thêm chương trình dạy học bằng tiếng Anh toàn phần với ngành Marketing số. Năm 2025 có thêm ngành Thương mại điện tử được dạy học 100% bằng tiếng Anh.
PGS.TS Đoàn Ngọc Phi Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) cho biết: “Cơ hội đỗ vào các ngành học của trường bằng chứng chỉ ngoại ngữ khá cao. Thí sinh có chứng chỉ IELTS từ 5.5 hoặc TOEFL iBT từ 46 điểm trở lên có thể tham gia xét tuyển vào chương trình cử nhân chính quy quốc tế với mô hình chuyển tiếp 2+2, 3+1 và nhận bằng của đối tác, xét tuyển vào 3 ngành học chính quy được đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh là Kinh doanh quốc tế & Marketing số và Thương mại điện tử”.
Đối với sinh viên chưa đạt đầu vào tiếng Anh ở mốc IELTS từ 5.5, có thể chọn theo học chương trình bán phần với tỷ lệ từ 37 - 54% các môn học trong khung chương trình được triển khai giảng dạy bằng tiếng Anh. Kết thúc năm học thứ nhất, nếu sinh viên có chứng chỉ IELTS đạt 6.0 có thể chuyển sang chương trình toàn phần nếu có nguyện vọng.
Một điểm mở của Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) là sinh viên có thể chuyển lớp từ chương trình toàn phần bằng tiếng Anh sang chương trình bán phần hoặc chương trình tiêu chuẩn nếu không có nguyện vọng theo học.
Những chương trình này mở ra nhiều cơ hội hợp tác quốc tế trong đào tạo, nghiên cứu, nâng cao năng lực đội ngũ và tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên nhà trường được chuyển tiếp theo học tại nhiều trường uy tín trên thế giới một cách hiệu quả nhất.
Nguyễn Thái Hoàng - sinh viên lớp 46K.QT chương trình chính quy quốc tế, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) bắt đầu kỳ học mới tại Trường Ball State University, bang Indiana nước Mỹ theo chương trình 2+2 từ tháng 1/2023 với học bổng 12.000 USD/năm.
Chọn đăng ký xét tuyển sinh theo chương trình chính quy quốc tế 2+2, Thái Hoàng cho biết: “Điểm đặc biệt của chương trình là vừa tiết kiệm được chi phí vừa có thể đi du học nước ngoài và không phải học lại đại học từ đầu khi đi du học”.
Ngoại ngữ là yêu cầu nghiêm ngặt đối với sinh viên theo học các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh và chương trình liên kết bởi nếu không đáp ứng đủ 4 kỹ năng nghe - nói - đọc - viết thì không thể nghe giảng, đọc tài liệu, tiếp nhận kiến thức. Trừ các môn Lý luận chính trị, Quốc phòng và an ninh, Giáo dục thể chất, các môn học còn lại được Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) giảng dạy bằng tiếng Anh.
Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) yêu cầu những sinh viên theo học chương trình tiên tiến, khi kết thúc năm thứ nhất, phải đạt trình độ IELTS từ 5.5 hoặc các chứng chỉ tương đương. Ngay cả những môn khoa học cơ bản như Toán - Lý - Hóa thuộc Chương trình tiên tiến cũng dạy bằng tiếng Anh.
Tiêu chí phụ của xét tuyển sinh đầu vào các ngành Điện tử - Viễn thông, Hệ thống nhúng thuộc Chương trình tiên tiến tùy theo từng năm học, nhưng thường điểm tổng kết môn Anh văn năm lớp 12 của học sinh phải đạt từ 7,5 trở lên. Nhà trường hỗ trợ một lần/sinh viên lệ phí dự thi chứng chỉ Anh văn cho sinh viên.
Trường Đại học Kinh tế chủ trương, các lớp toàn phần và bán phần tiếng Anh phải mời giảng viên nước ngoài đứng lớp, có thể là giảng viên trường đối tác liên kết, giảng viên chương trình Fullbright hoặc giảng viên tình nguyện.
Trong môi trường có tính quốc tế, không chỉ năng lực tiếng Anh của sinh viên mà cả giảng viên đều tăng lên rõ rệt. Làm việc với giáo sư nước ngoài, giảng viên cũng được hưởng lợi từ tiếp cận phương pháp dạy học, đánh giá…
Đại học Đà Nẵng tập trung chỉ đạo các trường thành viên đẩy mạnh triển khai các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh; liên kết đào tạo quốc tế; khuyến khích giảng viên giảng dạy chuyên môn bằng tiếng Anh; thúc đẩy, hỗ trợ sinh viên sử dụng tài liệu, giao tiếp, thuyết trình bằng tiếng Anh; tiếp tục phát huy lợi thế mô hình đại học vùng sử dụng chung nguồn lực, giao Trường Đại học Ngoại ngữ làm nòng cốt trong đào tạo tiếng Anh, thúc đẩy Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh phát triển theo mô hình đại học quốc tế để sinh viên đạt chuẩn Khung năng lực ngoại ngữ đầu vào, đầu ra.
Nâng cao chất lượng đào tạo tiếng Anh nói riêng, ngoại ngữ nói chung cho sinh viên các trường đại học thành viên cũng như Trường Đại học Ngoại ngữ học tốt ngoại ngữ thứ hai (ngoài ngoại ngữ chuyên ngành) là trọng tâm, ưu tiên trong công tác chỉ đạo, tạo sự liên thông, đồng bộ, chuyển biến tích cực.
Theo ông Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc Đại học Đà Nẵng, để tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, cần tạo điều kiện tháo gỡ một số “điểm nghẽn” để các trường đại học đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Đơn cử như giao, ủy quyền cho các đại học được phép tổ chức hội thảo quốc tế mà không nhất thiết phải xin phép Bộ GD&ĐT hay linh hoạt trong thủ tục tiếp nhận tài trợ quốc tế.
Đây chính là giải pháp để khơi thông nguồn lực, phát huy lợi thế khi các trường đại học điển hình như Đại học Đà Nẵng hằng năm chủ trì đăng cai hàng chục hội thảo, sự kiện mang tầm quốc tế. Điều này tạo môi trường phát triển năng lực tiếng Anh cho sinh viên, giảng viên, hướng đến công dân toàn cầu cũng như đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong bối cảnh thị trường lao động cạnh tranh khốc liệt.
Ông Bùi Văn Ga - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT chia sẻ: “Các trường đại học cần cung cấp cơ hội trao đổi sinh viên quốc tế để giúp người học tiếp cận nhiều nền văn hóa, hệ thống giáo dục khác nhau và mở rộng tư duy toàn cầu; đưa vào chương trình những môn học về giao tiếp đa văn hóa, phát triển kỹ năng làm việc trong môi trường toàn cầu và hiểu biết các vấn đề quốc tế.
Muốn vậy, cơ sở giáo dục đại học cần mở rộng hợp tác đào tạo với các trường đại học quốc tế có uy tín để sinh viên nhanh chóng tiếp cận kiến thức mới thông qua khóa học trực tuyến. Giảng dạy chuyên môn bằng tiếng Anh để sinh viên có trình độ ngoại ngữ tham gia các khóa học do giảng viên nước ngoài dạy”.
Các trường triển khai chương trình dạy - học bằng ngoại ngữ, ngoài mục tiêu hướng tới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thích ứng nhanh trong môi trường chuyên môn có đòi hỏi bằng tiếng Anh còn hướng đến sự lan tỏa của chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế đến các chương trình tiêu chuẩn.
Theo ông Đặng Hữu Mẫn - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng), với các chương trình đào tạo toàn phần và bán phần bằng tiếng Anh, giảng viên đều giảng dạy bằng hình ảnh và ngôn ngữ (slide) thống nhất về nội dung, đảm bảo tính chuẩn hóa và dễ tiếp cận cho sinh viên.
Đáng chú ý, một số giảng viên khi giảng dạy ở chương trình tiêu chuẩn cũng bắt đầu chuyển sang sử dụng slide tiếng Anh như một cách để nâng cao năng lực ngoại ngữ cho người học. “Việc chia sẻ tài nguyên giảng dạy từ các chương trình tiếng Anh không chỉ tối ưu hóa nguồn lực mà còn góp phần thay đổi rõ nét diện mạo của chương trình tiêu chuẩn”, ông Mẫn nhận xét.
Tại Khoa Kinh doanh quốc tế, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng), điểm nổi bật của chương trình đào tạo bằng tiếng Anh thường tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa nhằm tăng cường trải nghiệm thực tiễn và năng lực hội nhập quốc tế cho sinh viên. Tiêu biểu như chuyến tham quan thực tế tại doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài, hoặc giao lưu học thuật với giảng viên và sinh viên quốc tế.
Theo bà Phùng Nam Phương - Phó Trưởng khoa Kinh doanh quốc tế, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng), hiện các chương trình đào tạo tiêu chuẩn cũng đẩy mạnh tổ chức các hoạt động trải nghiệm tương tự, tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận môi trường làm việc chuyên nghiệp và phát triển kỹ năng mềm trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Nguyễn An Nhiên - sinh viên lớp 46K01.4, Khoa Kinh doanh quốc tế, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) theo học chương trình tiêu chuẩn có trải nghiệm đáng nhớ khi tham gia khóa trao đổi sinh viên với thời gian 6 tháng tại Đại học Frankfurt UAS của CHLB Đức. An Nhiên chọn ngành International Business Administration (IBA) trong thời gian học trao đổi tại Đức bởi có nhiều điểm tương đồng với chương trình học tại khoa Kinh doanh quốc tế.
“Nội dung một số môn học ở Đại học Frankfurt UAS khá giống với các môn học ở Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng), đặc biệt là những học phần bắt buộc. Trong học tập, sự khác biệt ngôn ngữ cũng gây cho em một chút khó khăn bởi vì đa số sinh viên ở trường đều nói tiếng Đức.
Tuy nhiên chương trình học trao đổi bằng tiếng Anh nên trong giờ học em có thể đuổi kịp với tốc độ giảng của giảng viên và tham gia thảo luận, làm việc nhóm với các bạn trong lớp khá ổn. Đa số sinh viên trao đổi đến từ nhiều nước khác nhau nên mọi người đều ưu tiên dùng tiếng Anh để giao tiếp và kết bạn”, An Nhiên kể.
“Với các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh, cả toàn phần và bán phần, phương pháp giảng dạy được áp dụng theo hướng hiện đại, chú trọng tính tương tác, phát triển tư duy phản biện và năng lực thực hành cho sinh viên, tương tự như các chương trình đào tạo tiên tiến trên thế giới.
Hiện các chương trình đào tạo tiêu chuẩn của Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) dần tiếp cận theo hướng này, từng bước đổi mới phương pháp giảng dạy để nâng cao chất lượng đào tạo và tiệm cận với chuẩn mực quốc tế” - bà Phùng Nam Phương