Dạy học môn tích hợp không bị động với thời khóa biểu

Hiếu Nguyễn | 25/10/2022, 13:45
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Triển khai dạy học các môn tích hợp ở THCS, nhiều trường đã tìm tòi giải pháp để thực hiện tốt nhất trong điều kiện hiện có...

Dạy học môn tích hợp không bị động với thời khóa biểu ảnh 1

Thầy trò Trường THCS Thụy Trường trong giờ học.

Chủ động các giải pháp

Có ý kiến cho rằng, việc thay đổi liên tục thời khóa biểu khiến GV, học sinh bị động. Cô Ngô Thị Kiều Linh, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Lợi (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho rằng, điều này là không đúng vì thay đổi thời khóa biểu luôn được báo trước. Tiến độ tiết học trên lớp theo từng bộ môn không thay đổi vì các tiết trong tuần đều giảng dạy theo kế hoạch dạy học được xây dựng từ đầu năm, thông qua tổ nhóm, ban giám hiệu phê duyệt.

Chia sẻ về triển khai Chương trình GDPT 2018, cô Ngô Thị Kiều Linh cho biết, Trường THCS Lê Lợi năm đầu cũng gặp khó khăn. Để tháo gỡ, ban giám hiệu đã cùng tổ chuyên môn bàn bạc, sắp xếp lại thời khóa biểu và phân công GV. Vì lớp 6, phân môn kiến thức Vật lý, Hóa học, Sinh học của môn Khoa học tự nhiên chưa quá khó, nên GV cốt cán của trường đã mạnh dạn đảm đương cả 3 phân môn. Tất nhiên, thầy cô đã được tập huấn, bồi dưỡng bảo đảm yêu cầu giảng dạy. Khi chỉ 1 GV phụ trách môn Khoa học tự nhiên, việc sắp thời khóa biểu, công việc trong nhà trường thuận lợi hơn.

Có ý kiến băn khoăn môn Khoa học tự nhiên khi lên lớp 8, 9, kiến thức đòi hỏi ở mức độ cao hơn, GV dạy môn này cũng khó khăn hơn, đặc biệt trong việc bồi dưỡng HS mũi nhọn. Lường trước tình huống này, cô Ngô Thị Kiều Linh cho hay, nhà trường sẽ thành lập câu lạc bộ để thầy cô cùng chung tay hỗ trợ học sinh mũi nhọn. Cùng với đó, cử GV tham gia các lớp bồi dưỡng, đào tạo được các cấp đặc biệt của phòng GD&ĐT có chứng chỉ để nâng cao trình độ chuyên môn, từ đó phụ trách tốt hơn môn Khoa học tự nhiên ở cả 3 phân môn.

Có ý kiến tương tự, thầy Vũ Nho Hoàng, Tổ phó Tổ Khoa học tự nhiên, Trường THCS Thụy Trường (Thái Thụy, Thái Bình) cũng khẳng định, kế hoạch giáo dục của nhà trường được xây dựng tỉ mỉ tới từng tháng, tuần, tiết và được công khai ngay từ đầu năm học. Do đó, GV và học sinh không bị động.

Chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, thầy Vũ Nho Hoàng cho rằng, cần chú ý cụ thể tới từng tiết, từng tuần và đồng bộ thống nhất giữa nhà trường, tổ chuyên môn, GV. Từ đó, GV dạy phần Hóa học, Sinh học, Vật lý biết và chủ động trong công việc. Bên cạnh đó, Chương trình môn Khoa học tự nhiên, bài học thường nhiều tiết, nên khi xây dựng thời khóa biểu có thể phân dạy 2 tiết liền môn học này, tạo thuận lợi cho GV tổ chức hoạt động dạy học.

“Một khối chúng tôi chấp nhận có 3 GV Lý, Hóa, Sinh cùng phụ trách môn Khoa học tự nhiên của các lớp khác nhau. GV môn nào soạn giáo án môn đó rồi cùng ngồi bàn bạc, trao đổi, thống nhất, chia sẻ kiến thức và cách dạy trong nhóm chuyên môn Khoa học tự nhiên khối 6 để thống nhất nội dung lên lớp. Tất nhiên, thầy cô sẽ vất vả hơn trong họp nhóm chuyên môn và đặc biệt là tự học, nhưng việc quản lý học sinh trên lớp, sắp xếp thời khóa biểu, tổ chức giảng dạy, kiểm tra đánh giá thuận lợi hơn nhiều” - cô Ngô Thị Kiều Linh chia sẻ.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/day-hoc-mon-tich-hop-khong-bi-dong-voi-thoi-khoa-bieu-post612873.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/day-hoc-mon-tich-hop-khong-bi-dong-voi-thoi-khoa-bieu-post612873.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dạy học môn tích hợp không bị động với thời khóa biểu