Cô Lâm Hương Giang - Trường THCS Trưng Vương (quận Hải Châu, Đà Nẵng) là một trong số những học viên tham gia khóa tập huấn dạy học theo dự án cho giáo viên tiếng Anh cấp THCS, do Phòng GD&ĐT Hải Châu tổ chức. Đây là khóa tập huấn mở vào mùa Hè năm 2018 sau khi khảo sát nhu cầu thực tế của giáo viên dạy Anh văn cấp THCS.
“Thời điểm đó, dạy - học theo dự án là vấn đề mới, nếu không tổ chức bồi dưỡng giáo viên sẽ lúng túng khi dạy học chương trình tiếng Anh mới, thậm chí bỏ luôn nội dung quan trọng trong sách giáo khoa”, cô Giang nhớ lại. Các trường học có giáo viên tham gia lớp tập huấn hỗ trợ 50% học phí, số còn lại, giáo viên chi trả.
Những gì thu nhận được từ khóa tập huấn phương pháp dạy - học theo dự án, với cô Giang, vẫn còn hữu ích khi thực hiện đổi mới chương trình – sách giáo khoa. Trong Chương trình GDPT 2018, chương trình tiếng Anh lớp 6, cô Giang yêu cầu học sinh làm một số sản phẩm học tập như bộ thẻ nhớ flashcard, phim đơn giản… Những dự án học tập này giúp các em tổng hợp, vận dụng kiến thức đã học, phát huy tối đa năng lực.
Cũng từ lớp tập huấn, nhiều giáo viên chủ động tìm đến khóa học trao đổi về phương pháp dạy học tích cực, theo hướng phát triển năng lực học sinh… để trau dồi thêm chuyên môn. “Năm học nào, Sở GD&ĐT Đà Nẵng và Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng cũng tổ chức nhiều khóa tập huấn về phương pháp dạy học, các hội thảo khoa học về dạy giảng dạy ngoại ngữ.
Có những dự án dài hơi như sau khóa tập huấn, giáo viên phải có những tiết dạy báo cáo bằng video để thấy được mức độ ứng dụng vào thực tiễn. Chúng tôi đã hình thành được cộng đồng giáo viên tiếng Anh để cùng trao đổi, cập nhật chuyên môn, phương pháp dạy học...”, cô Lâm Hương Giang thông tin.
Một tiết học Tiếng Anh của học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Ban, Hà Giang. Ảnh: NVCC |
Thời gian qua, việc triển khai dạy và học ngoại ngữ trong các trường học trên địa bàn TPHCM luôn đảm bảo yêu cầu về lượng và chất. Để nâng cao chất lượng đội ngũ, ngành Giáo dục thành phố cũng như các quận, huyện và TP Thủ Đức thường xuyên tổ chức cho giáo viên tập huấn nâng cao năng lực ngoại ngữ, tham gia bồi dưỡng phương pháp giảng dạy để tất cả được tiếp cận phương pháp dạy học tích cực.
Đặc biệt, thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục, trong những năm qua, cơ sở vật chất của các trường luôn được đầu tư khang trang. Nhờ đó, chất lượng đội ngũ ngày càng đáp ứng được yêu cầu đổi mới nội dung, chương trình giảng dạy trong giai đoạn hiện nay.
Theo chia sẻ của cô Trần Thị Minh Đức - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đào Sơn Tây (TP Thủ Đức, TPHCM), nhà trường tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học môn ngoại ngữ như: Lắp đặt tivi, kết nối Internet, trang bị hệ thống âm thanh di động (loa), phòng học thông minh nhằm giúp giáo viên tìm kiếm thông tin, nghiên cứu bài học, soạn giáo án, truy cập nguồn tài nguyên của tổ ngay tại lớp học dễ dàng hơn.
Qua đó hạn chế việc mang tài liệu giấy như đề cương, giáo án... Đồng thời giúp giáo viên sáng tạo, linh hoạt trong đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá. Đặc biệt, giờ học trở nên sinh động hơn, học sinh hứng thú, tích cực tham gia bài học.
“Nhà trường thường xuyên đồng hành với giáo viên trong bồi dưỡng, tập huấn ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy như sử dụng phần mềm Ispring để biên soạn bài giảng điện tử E-learning; hướng dẫn sử dụng phần mềm K12 online nhằm giúp thầy cô biên soạn học liệu số, giảng dạy online; tập huấn phần mềm Mozabook để giáo viên sử dụng kênh phim ảnh, hình ảnh 3D, kho tài liệu để soạn, giao bài online cho học sinh”, cô Đức cho hay.
Ngoài tập huấn chuyên đề do Sở GD&ĐT TPHCM tổ chức, Phòng GD&ĐT Quận 4 cũng như các trường còn tổ chức các chuyên đề, bồi dưỡng giáo viên tùy theo tình hình thực tế. Phối hợp các công ty, trung tâm cung cấp chương trình bổ trợ, chương trình toàn khóa, giáo viên ngoại ngữ để tập huấn, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong giảng dạy cho giáo viên.
Cùng đó tổ chức các tiết học có sự tham gia của phụ huynh (Open House) để tăng cường phối hợp, hỗ trợ của phụ huynh trong giảng dạy và giáo dục học sinh, tạo điều kiện cho giáo viên nâng cao năng lực nghiệp vụ. Tổ chức các sân chơi tiếng Anh nhằm mở rộng giao lưu, học hỏi cho học sinh và bồi dưỡng năng lực tổ chức quản lý của giáo viên.
Cô Phạm Thúy Hà - Phó Trưởng phòng GD&ĐT Quận 4 (TPHCM) cho biết, thời gian qua, các trường học trên địa bàn đã xây dựng phòng học ngoại ngữ với đầy đủ trang thiết bị như: Bảng tương tác, máy chiếu, tivi thông minh; bàn ghế đặc trưng để học tập theo nhóm. Một số trường trang bị máy tính xách tay hoặc máy tính bảng tạo điều kiện cho học sinh làm việc nhóm. Đối với trường không đủ điều kiện mua sắm trang thiết bị thì hợp tác với trung tâm, công ty cung cấp phần mềm dạy Toán - Khoa học hoặc giáo viên nước ngoài hỗ trợ trang thiết bị cho trường. Nhiều trường trang trí phòng học đẹp mắt, hấp dẫn, mỗi lớp có bảng sản phẩm học tập và bảng chủ đề.