Dạy học tích hợp theo chương trình mới: Từ trong lớp đến... ngoài sân trường

Vân Anh | 17/10/2022, 10:10
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Sau những bỡ ngỡ ban đầu, việc triển khai dạy môn học tích hợp trong Chương trình mới tại Hà Nội đã dần đi vào ổn định, nền nếp.

Tự tin thực hiện chương trình mới

Sau một năm được phân công dạy môn Khoa học tự nhiên lớp 6 tại Trường THCS Ngô Gia Tự (quận Long Biên), năm học này, công tác giảng dạy của cô Nguyễn Bích Ngọc đã thuận lợi hơn khi tiếp tục theo học sinh lên lớp 7. Trong hầu hết tiết dạy, cô đều đổi mới phương pháp, ứng dụng công nghệ thông tin để giúp học sinh có giờ học sinh động, hiệu quả.

Cô Ngọc cho biết, để có được những tiết học thu hút học sinh, cô đã tích cực tham gia các lớp tập huấn, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, luôn sẵn sàng làm mới mình để thích nghi với giáo dục hiện đại. Cùng với đó, ban giám hiệu liên tục đồng hành cùng giáo viên để tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình giảng dạy chương trình mới.

Cô Vũ Thị Hải Yến - Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Gia Tự (quận Long Biên) - cho hay: Theo lộ trình đổi mới, dạy học theo hướng tích hợp liên môn được nhà trường áp dụng từ năm học 2021 - 2022. Việc dạy học được tổ chức theo hướng đề cao sự sáng tạo và tự lực của học sinh, theo xu hướng của giáo dục hiện đại nên các em nhiệt tình đón nhận.

Theo đánh giá của các giáo viên, bài giảng trong chương trình mới có kiến thức phong phú, cái nhìn đa chiều, giúp học sinh hiểu vấn đề tốt hơn cũng như dễ áp dụng vào thực tiễn cuộc sống. Trong giai đoạn học trực tuyến dù gặp nhiều khó khăn nhưng các hoạt động học tập được thực hiện ổn định. Đây là tiền đề thuận lợi khi học sinh đi học trực tiếp trở lại.

Tại Trường THCS Phúc Xá (quận Ba Đình), đến nay, tất cả giáo viên đều tự tin dạy tốt môn Khoa học tự nhiên, không còn tình trạng 3 giáo viên cùng dạy một môn nữa. Có được kết quả trên, theo cô Nguyễn Thị Hoàng - Tổ trưởng Tổ Tự nhiên, cùng với việc tham gia các lớp bồi dưỡng tập huấn do cơ quan quản lý tổ chức, tổ bộ môn chủ động lên phương án tự bồi dưỡng cho giáo viên.

Ở góc nhìn khác, thầy Trần Thế Đấu - Hiệu trưởng Trường THCS Ba Trại (huyện Ba Vì) - cho rằng, để triển khai hiệu quả môn Khoa học tự nhiên, đòi hỏi giáo viên phải có năng lực sư phạm, điều này khó thực hiện tại các vùng có điều kiện khó khăn. “Khó khăn lớn nhất của nhà trường là thiếu giáo viên dạy được liên môn. Một giáo viên chỉ được đào tạo đơn môn thì không thể dạy thật sâu, thật kỹ những phân môn khác”, thầy Đấu bộc bạch.

Thầy Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa) - bày tỏ: Dù đã chú trọng công tác bồi dưỡng giáo viên nhưng thực tế nhà trường mới đảm bảo được về số lượng. Thực tế không phải tất cả thầy cô được bồi dưỡng đều có thể sẵn sàng dạy học vì lộ trình bồi dưỡng ngắn, chưa đủ tự tin với những lĩnh vực chưa đào tạo chuyên sâu.

Việc triển khai dạy các môn học tích hợp trong Chương trình giáo dục phổ thông mới đã dần đi vào ổn định. Thời gian tới, các nhà trường cần chú trọng hơn nữa công tác bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ giáo viên. Ngoài ra, nhà trường cần quan tâm đầu tư, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; giáo viên cần tích cực đổi mới phương pháp dạy học. - Ông Phạm Xuân Tiến (Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội)

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/day-hoc-tich-hop-theo-chuong-trinh-moi-tu-trong-lop-den-ngoai-san-truong-post611809.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/day-hoc-tich-hop-theo-chuong-trinh-moi-tu-trong-lop-den-ngoai-san-truong-post611809.html
Bài liên quan
'Tinh thần đồng đội' trong dạy học tích hợp
Môn học tích hợp là điểm mới nổi bật của Chương trình GDPT 2018.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dạy học tích hợp theo chương trình mới: Từ trong lớp đến... ngoài sân trường