Ảnh minh họa ITN. |
Để triển khai hiệu quả môn tích hợp, đặc biệt trong năm học 2024 - 2025, ông Trịnh Ngọc Hải thông tin, các nhà trường tiếp tục thực hiện hiệu quả hướng dẫn của Bộ GD&ĐT tại Công văn 5636/BGDĐT-GDTrH. Đồng thời, phát huy vai trò nòng cốt chuyên môn của ban giám hiệu, tổ trưởng, tổ phó chuyên môn, giáo viên cốt cán, giáo viên dạy giỏi trong dạy chuyên đề; tăng cường dự giờ tư vấn cho giáo viên trong trường.
Phòng GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo tăng cường sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn; trong đó chú trọng nội dung dạy học môn tích hợp; tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học trong trường và kết nối liên trường. Chú trọng bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ, đẩy mạnh bồi dưỡng thường xuyên; tuyên truyền để giáo viên tiếp tục tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn, từ đó có thể đảm nhiệm dạy 1 - 2 mạch nội dung của chương trình môn học. Huy động sự vào cuộc của phụ huynh trong phối hợp hướng dẫn trẻ thực hiện nhiệm vụ học tập và trải nghiệm tại gia đình.
Bồi dưỡng đội ngũ cũng là vấn đề An Giang tiếp tục chú trọng trong năm học tới. Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Tuấn Khanh thông tin, địa phương đã và đang phối hợp với Trường ĐH An Giang thực hiện công tác đào tạo giáo viên dạy học tích hợp. Hai năm 2022 và 2023, tỉnh có 336 giáo viên môn Khoa học tự nhiên, 210 giáo viên môn Lịch sử và Địa lý, 375 giáo viên môn Tin học và Công nghệ được đào tạo, bồi dưỡng theo nguồn ngân sách Nhà nước.
Đây là những giáo viên còn trẻ, thực hiện đào tạo thêm một phân môn của môn học tích hợp (ví dụ giáo viên môn Vật lý được bồi dưỡng thêm ít nhất một phân môn thứ hai là Hóa học hoặc Sinh học). Trước mắt, sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, giáo viên phụ trách thêm một phân môn thứ hai trong dạy học tích hợp. Khuyến khích hiệu trưởng các trường phân công những giáo viên này dạy ít tiết cho môn học mới, các lớp nhỏ để làm quen với chương trình.
Từ ý kiến trao đổi của tổ chuyên môn trường THCS trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Mạnh - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho hay, triển khai dạy học tích hợp thuận lợi hơn năm học trước vì với khối 6, 7, một giáo viên đã đảm nhiệm được cả môn học.
Tuy nhiên, với lớp 8 và dự kiến với lớp 9 năm học 2024 - 2025, vì kiến thức môn học khó hơn, nên nhà trường sẽ sắp xếp giáo viên dạy Khoa học tự nhiên theo phân môn được đào tạo. Đồng thời, thầy cô dành thời gian để đầu tư chuyên môn, dần tiếp cận kiến thức và có thể một mình đảm nhiệm dạy Khoa học tự nhiên lớp 8, 9.
Trường THCS Thụy Liên linh hoạt trong phân công chuyên môn, sắp xếp thời khóa biểu. Với lớp 6, 7, vì kiến thức còn đơn giản nên có thời điểm nhà trường phân công 1 giáo viên phụ trách cả môn Khoa học tự nhiên. Tuy nhiên, lớp 8, 9, kiến thức chuyên sâu hơn, nhà trường bố trí giáo viên phù hợp về chuyên môn được đào tạo với nội dung dạy học. Thầy Nguyễn Tiến Dũng