Dạy liên kết trong trường học: Tự nguyện hay bắt buộc?

27/09/2023, 13:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Thời gian qua, nhiều môn học gắn mác liên kết/ xã hội hóa xuất hiện trong trường học.

Điều đáng nói, nhiều năm qua, giáo dục kỹ năng sống đều do giáo viên chủ nhiệm thực hiện theo nội dung các bộ sách trong Chương trình GDPT 2006.

Vậy tại sao, chương trình mới với mục tiêu tăng thời gian học ở trường để các em có thêm thời gian tham gia hoạt động trải nghiệm, rèn luyện thể chất, phát triển năng khiếu về nghệ thuật; được vui chơi, giải trí… lại thành giờ học liên kết. Hơn thế, các trung tâm còn thuê giáo viên trong trường dạy, sử dụng cơ sở vật chất của trường nhưng số tiền phụ huynh phải đóng lại nhiều hơn.

“Bộ giáo án các trung tâm cung cấp một lần và sử dụng mãi mãi. Như vậy, giáo viên có thể dạy được hoạt động Giáo dục kỹ năng sống trong các trường tiểu học mà không cần thông qua trung tâm nào. Chúng tôi mong được cơ quan chức năng cho phép dạy nội dung này vào tiết 4 buổi chiều để tăng thêm thu nhập. Mong Bộ GD&ĐT sớm có hướng dẫn cụ thể về cách thức thực hiện, giáo án dạy cũng như số tiền thu của phụ huynh để thống nhất trong toàn quốc”, thầy Công cho hay.

Về giáo dục STEM, theo thầy Công, đây là hoạt động bắt buộc trong Chương trình GDPT 2018. Chương trình có yêu cầu cụ thể về thời lượng đối với các khối lớp trong một tuần (khối 1 - 2 là 25 tiết, khối 3: 28 tiết, khối 4 - 5 là 30 tiết). Đa số trường tiểu học đang dạy 32 tiết/tuần – tức 9 buổi, nghỉ chiều thứ Năm để sinh hoạt chuyên môn. Như vậy khối nào cũng thừa từ 2 đến 7 tiết.

Thầy Công kiến nghị, nếu trường không dạy các tiết rèn hoặc tự chọn có thể thay bằng giờ học Giáo dục STEM và không thu tiền của phụ huynh. Còn trường nào đã dạy đủ các tiết rèn (Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh) và tự chọn (Tiếng Anh, Tin học) có thể dạy hoạt động Giáo dục STEM vào tiết 4 buổi chiều (tiết trống) và có thu tiền như hoạt động Giáo dục kỹ năng sống.

Còn dạy tiếng Anh tăng cường với người nước ngoài, bắt buộc phải thông qua các trung tâm. Nhưng không thể xếp các tiết đó vào 7 tiết dạy chính khoá mà phải dạy vào cuối buổi chiều để những học sinh không tham gia có thể về sớm. Nếu xếp vào tiết chính khoá sẽ gây khó cho phụ huynh và tủi thân cho nhiều em khi gia đình không có điều kiện đăng ký học.

Không học liên kết, học sinh đi đâu?

Dưới góc nhìn của chuyên gia giáo dục độc lập, TS Vũ Thu Hương cho biết, có nhiều phụ huynh vì điều kiện khác nhau mà không cho con học các tiết liên kết tại trường. Điều 4 của Thông tư 17/2012 của Bộ GD&ĐT quy định, các trường không được dạy thêm với học sinh học 2 buổi/ngày. Không dạy thêm với học sinh tiểu học, trừ trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn kỹ năng sống.

Chuyên gia giáo dục độc lập - TS Vũ Thu Hương. Ảnh: NVCC ảnh 4
Chuyên gia giáo dục độc lập - TS Vũ Thu Hương. Ảnh: NVCC

Bà Hương bày tỏ băn khoăn, tại sao các trường phải thiết kế thêm các tiết dạy tăng cường xen vào giờ học chính khóa. Không lẽ Chương trình giáo dục phổ thông do Bộ GD&ĐT ban hành không đủ để đào tạo học sinh một cách toàn diện?

Hơn nữa, trong chương trình phổ thông chính khóa của tiểu học kéo dài 7 tiết mỗi ngày, tức từ 8 giờ sáng đến khoảng 15 giờ 30 chiều. Điều này có nghĩa là, trong khoảng thời gian này học sinh phải được học chính khóa một cách trọn vẹn; còn các môn/ hoạt động giáo dục liên kết với các đơn vị ngoài nhà trường phải được bố trí sau khung giờ này để học sinh tự chọn.

“Điều phi lý này phụ huynh biết nhưng không dám ý kiến. Một phần do tâm lý ngại va chạm hoặc lo con mình bị “trù dập”. Vì thế, nhiều người phải tự nguyện đăng ký nhưng trên tinh thần bắt buộc”, TS Vũ Thu Hương nói.

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng những em không học tiết liên kết trong khung thời gian chính khóa có thể thỏa thuận với nhà trường để bố trí thầy cô trông ở một phòng chức năng, hoặc tổ chức hoạt động nào đó để không phải đứng hành lang.

Tuy nhiên, TS Vũ Thu Hương không đánh giá cao phương án và cho rằng khó thực hiện. Bởi, giáo viên trông có được tính tiền thừa giờ không hay huy động kinh phí từ phụ huynh? Do đó, đã đến lúc các địa phương cấm triệt để việc triển khai dạy tăng cường, dạy liên kết trong giờ chính khóa để giảm bức xúc, thiệt thòi cho phụ huynh học sinh.

Theo hiệu trưởng một trường tiểu học tại Vĩnh Phúc, các nhà trường nên công khai cho phụ huynh biết đâu là tiết chính khoá, đâu là tiết tăng cường liên kết với các đơn vị ngoài nhà trường để có sự lựa chọn phù hợp cho con mình. Mặt khác, nhà trường cần đảm bảo việc đăng ký phải hoàn toàn tự nguyện chứ không ép buộc dưới mọi hình thức. Những em không đăng ký học các tiết này phải được học tập, rèn luyện bình thường.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/day-lien-ket-trong-truong-hoc-tu-nguyen-hay-bat-buoc-post655553.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/day-lien-ket-trong-truong-hoc-tu-nguyen-hay-bat-buoc-post655553.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dạy liên kết trong trường học: Tự nguyện hay bắt buộc?