Đẩy mạnh liêm chính học thuật cần thay đổi từ nhận thức, hành động đến cơ chế

23/12/2023, 06:42
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Theo các chuyên gia, để liêm chính trong nghiên cứu khoa học, nhà khoa học phải sống được bằng khoa học chân chính.

Cần cơ chế để yên tâm làm việc

Khẳng định, nghiên cứu khoa học đóng góp quan trọng vào nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, TS Đinh Minh Hằng - Trưởng phòng Hành chính Đối ngoại, giảng viên chính Khoa Ngữ văn (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) nêu thực trạng, đầu tư cho khoa học công nghệ còn thấp.

Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có 636 giảng viên, bao gồm 424 tiến sĩ, 128 GS, PGS. Tuy nhiên, kinh phí nghiên cứu khoa học được cấp khoảng 6 - 8 tỷ/năm. Tính trung bình, mỗi giảng viên được đầu tư 10 - 15 triệu đồng/người/năm. Ngoài ra, hình thức đầu tư manh mún, nhỏ lẻ.

Theo TS Đinh Minh Hằng, liêm chính học thuật là vấn đề quan trọng nhất trong đạo đức khoa học. Tuy nhiên, vẫn có hiện tượng vi phạm liêm chính được nêu lên trong cộng đồng khoa học nói chung…

Đạo văn, gian lận, bịa đặt, hỗ trợ hành vi không trung thực… trong nghiên cứu, sáng tạo và học tập là vi phạm liêm chính học thuật, PGS.TS Trương Việt Anh – Trưởng ban Khoa học, công nghệ (ĐH Bách khoa Hà Nội) nhấn mạnh và cho rằng, vi phạm liêm chính trong học thuật gắn liền với biểu hiện, hành vi không trung thực, trái với chuẩn mực đạo đức, không tôn trọng quyền tác giả, sở hữu trí tuệ, không tuân thủ quy tắc, công bằng, minh bạch trong hoạt động học thuật.

PGS.TS Trương Việt Anh cho biết, hiện tượng đạo văn tồn tại ở các nước phát triển và đang phát triển. Qua khảo sát, đại diện Đại học Bách khoa Hà Nội khẳng định các cơ sở giáo dục đại học cần ban hành quy định về liêm chính khoa học, có kế hoạch tuyên truyền phổ biến, tập huấn về liêm chính học thuật cho cán bộ, sinh viên. Các hoạt động này cần sự phối hợp, chia sẻ giữa đơn vị đào tạo và cơ quan quản lý Nhà nước.

Nếu nhà khoa học vi phạm liêm chính vì hoàn cảnh, thì cần thay đổi hoàn cảnh, GS.TS Phùng Hồ Hải - Viện trưởng Viện Toán học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) nêu ý kiến khi phát biểu tại Hội thảo khoa học về liêm chính trong nghiên cứu, đồng thời trao đổi: Nếu nhà khoa học không đủ ăn, họ không có gì để mất. Vì thế, họ bất chấp bán bài, thậm chí xây dựng hẳn “băng đảng” để viết bài. Do đó, cần đảm bảo cơ chế để nhà khoa học có thể yên tâm làm việc tốt hơn.

Theo TS Dương Tú - ĐH Purdue (Mỹ), để nhà khoa học hạnh phúc vì nghiên cứu của mình phục vụ khoa học, cộng đồng, được nhân dân tin tưởng, từ đó Nhà nước, cộng đồng tiếp tục tài trợ thì đánh giá khoa học phải chú trọng vào chất lượng thay vì số lượng. Ngoài ra, cần có chính sách đánh giá để nhà khoa học thay vì chạy theo số lượng bài báo, chỉ số trích dẫn, xếp hạng… có thể quay về với bản chất khoa học. Làm sao có chính sách đảm bảo cho cuộc sống nhà khoa học, để họ yên tâm, không phải đánh đổi sự trung thực, liêm chính lấy miếng cơm manh áo, duy trì cuộc sống.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Hệ thống quy định pháp luật chung chung, thiếu đồng bộ

Hình thành các quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia cũng như quỹ đổi mới công nghệ nhằm mục tiêu thu hút thêm nguồn lực đầu tư từ xã hội, bà Điểu Huỳnh Sang - đại biểu Quốc hội đoàn tỉnh Bình Phước nêu ý kiến. Tuy nhiên, các quy định về trích lập và sử dụng quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp còn vướng mắc, bất cập. Cơ chế huy động vốn ngoài ngân sách Nhà nước chưa hiệu quả, phát huy được tối đa nguồn đầu tư từ doanh nghiệp.

Vấn đề này thuộc về hệ thống quy định pháp luật còn chung chung, thiếu đồng bộ, không thống nhất giữa quy định pháp luật về tài chính đầu tư với pháp luật về khoa học và công nghệ; trong đó hệ thống văn bản pháp luật về phân bổ, sử dụng ngân sách Nhà nước cho nhiệm vụ khoa học, công nghệ còn phức tạp, cồng kềnh và liên tục được ban hành mới, sửa đổi, bổ sung. Do đó, các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, nhất là địa phương, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong triển khai áp dụng.

Ông Nguyễn Quang Huân - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương cho rằng, bản chất của quỹ phát triển khoa học, công nghệ quốc gia là để lôi kéo đầu tư. Có một số mô hình như: Israel bỏ vốn đầu tư ở giai đoạn đầu nghiên cứu khoa học. Sau đó xã hội hóa và doanh nghiệp tham gia vào giai đoạn nghiên cứu, ứng dụng. Lúc đó mới nhân rộng đại trà cho thương mại.

“Theo phản ánh của các nhà khoa học, nhiều đề tài manh mún, dàn trải; thủ tục thanh toán rườm rà, mất nhiều thời gian cho công tác thu thập chứng từ, hoàn ứng hơn là nghiên cứu khoa học. Khi xong, hồ sơ thanh quyết toán có khi còn dày hơn báo cáo khoa học. Do đó, cần xem xét để chấm dứt tình trạng này”, ông Nguyễn Quang Huân phản ánh.

Trao đổi tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhắc lại ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Từ năm 2017 đến nay giảm dần ngân sách để chi cho khoa học, công nghệ, dao động từ 1,1%, 1,18% và đến năm 2023 có 0,82%.

Trong khi đó, nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị đều quy định đảm bảo từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách cho khoa học, công nghệ và đổi mới, sáng tạo và tăng dần theo nhu cầu phát triển. Đây là vấn đề các bộ, ngành, địa phương chưa thật sự quan tâm, chưa có những đề án bảo đảm đúng nguyên tắc, tiêu chí để bố trí vốn; thậm chí có địa phương không bố trí vốn hoặc bố trí rất thấp cho công tác này.

Theo ông Phạm Đình Nguyên - Giám đốc Cơ quan Điều hành Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, để đảm bảo liêm chính trong hoạt động nghiên cứu, Quỹ đã ban hành Quy định về liêm chính nghiên cứu áp dụng đối với các đề tài do Quỹ tài trợ. Thời gian tới, Quỹ tiếp tục nâng cao chất lượng, quy mô tài trợ, ưu tiên tài trợ các nghiên cứu xuất sắc, có tính đột phá, hỗ trợ nhà khoa học trẻ song hành đảm bảo liêm chính trong hoạt động nghiên cứu khoa học.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đẩy mạnh liêm chính học thuật cần thay đổi từ nhận thức, hành động đến cơ chế