“Cho đến tận lúc phải ra tòa, chứng kiến vợ khóc ngất lên, ngất xuống tôi mới tỉnh ngộ ra. Thấy mình làm khổ vợ con nhiều quá. Vào trại với tôi có khi lại là may mắn. Tôi có cơ hội sửa mình, làm lại cuộc đời. Gần 5 năm ở tù, song đổi lại tôi đã biết chữ, biết nghề”, anh Kiên bộc bạch.
Trong những lớp nghề được mở, anh Kiên chọn hàn xì. Vừa phù hợp với sức khỏe, sở thích, song theo như anh phân tích thì sẽ có nhiều cơ hội việc làm khi tái hòa nhập cộng đồng. “Nếu có vốn tôi sẽ mở cơ sở riêng, còn không thì đi làm thuê cũng đủ sống. Có kiến thức, nghề nghiệp, tôi cũng tự tin hơn với ngày trở về”, anh Kiên nói.
Khác với Kiên, phạm nhân Đỗ Văn Hậu (TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) có kiến thức và nhiều điều kiện tiếp cận với thông tin, hiểu biết pháp luật. Anh Hậu có vợ và 2 con.
Trước khi vào trại, anh làm lái xe thuê cho doanh nghiệp, với mức lương bình quân 8 - 12 triệu đồng. Song vì ham mê cờ bạc nên gia đình tan vỡ, bản thân cũng rơi vào vòng lao lý.
Những ngày đầu vào trại, anh Hậu chán nản và thường xuyên tỏ ra bất mãn. Nhiều lần giám thị phải gặp riêng để tìm hiểu, khuyên bảo. Anh kể, khi nghe cán bộ nhắc đến trách nhiệm của người làm bố với những đứa con, anh đã rất hối hận. Nhờ đó, có thêm động lực cải tạo, học nghề và quyết tâm rèn giũa lại bản thân.
“Vào trại rồi tôi mới thấy quý cuộc sống tự do bên ngoài. Có gia đình, công việc mà không biết giữ. Cán bộ trại đã giúp tôi sáng ra nhiều thứ, ổn định tâm lý hơn. Giờ tôi yên tâm học nghề hàn xì để sau này ra trại có thêm cơ hội việc làm, bù đắp lại cho con”, anh Hậu tâm sự.
Phạm nhân nắn nót những nét chữ đầu tiên. |
Đóng chân trên địa bàn tỉnh biên giới, miền núi Điện Biên, Trại giam Nà Tấu đang quản lý hơn 1.800 phạm nhân. Trong đó, gần 86% phạm nhân người dân tộc thiểu số, trên 28% không biết hoặc tái mù chữ.
Theo Đại tá Vũ Thế Chuyển, Giám thị Trại giam thì đây chính là khó khăn, rào cản lớn đối với công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân. Tuy nhiên, Trại giam Nà Tấu đã tổ chức trên 100 lớp tái hòa nhập cộng đồng cho hơn 3.000 lượt phạm nhân. Thống kê tỷ lệ tái phạm quay trở lại trại là 1,4%.
“Phạm nhân vào đây thì có rất nhiều nguyên do. Người vì nhận thức pháp luật kém, có người do hám lợi, cũng có trường hợp nóng giận tức thời dẫn đến phạm tội.
Song rất nhiều trong số họ không được đi học, không có nghề nghiệp ổn định… Vì thế, ngoài công tác giáo dục, cải tạo lại nhân phẩm, thì họ cần phải có nền tảng là kiến thức, nghề nghiệp để tự tin tái hòa nhập, làm lại cuộc đời”, Đại tá Chuyển chia sẻ.
Đó chính là lý do, những năm qua Trại giam Nà Tấu đẩy mạnh hoạt động liên kết với các cơ sở đào tạo của địa phương để mở lớp học chữ, học nghề. Đại tá Chuyển cho hay: Các khóa đào tạo đều được xây dựng trên cơ sở khảo sát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của phạm nhân. Do vậy, phạm nhân đều rất hăng hái, tích cực tham gia.
Nhiều năm nay, Đại úy Lò Minh Thắng được giao trực tiếp đứng lớp xóa mù trong trại. Anh tâm sự, do nhận thức phạm nhân không đồng đều và còn nhiều hạn chế nên quá trình giảng dạy gặp nhiều khó khăn. Không ít phạm nhân thậm chí chưa thành thạo trong giao tiếp bằng tiếng phổ thông.
Vì thế, không chỉ đầu tư về thời gian, mỗi tiết học, bài giảng Đại úy Thắng đều dành nhiều tâm tuyết. Dựa trên cơ sở phân loại đối tượng học viên để xây dựng kế hoạch cụ thể, phù hợp.
“Việc rèn chữ là vất vả nhất. Nhưng tôi cứ kiên trì cùng với học viên thì sau một thời gian họ cũng làm được. Mỗi lần họ vui mừng khoe rằng đã tự viết được tên mình, hay gửi thư về cho gia đình… tôi cũng thấy hạnh phúc lây. Có nhiều phạm nhân sau khi trở về hòa nhập với cộng đồng còn viết thư cảm ơn cán bộ và đơn vị”, Đại úy Thắng cho biết.
Để tạo thêm động lực phấn đấu, trại thường xuyên phát động, tổ chức các phong trào thi đua: “Khát vọng hoàn lương”, “Niềm tin hướng thiện”; phạm nhân viết thư với chủ đề “Gửi lời xin lỗi”.
Thông qua những bài viết hay, cảm động về sự ăn năn, hối lỗi để giáo dục và khơi dậy tinh thần hướng thiện trong mỗi phạm nhân. Đặc biệt, cũng theo lãnh đạo trại giam, một trong những điểm mới của công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân được đánh giá cao trong những năm gần đây là Hội nghị gia đình phạm nhân.
Tại đây, thân nhân sẽ được nắm bắt các chế độ, chính sách của Nhà nước về ăn, ở, sinh hoạt, lao động, chăm sóc y tế… trong quá trình cải tạo. Nhất là kết quả, tình hình chấp hành án của từng phạm nhân.
“Nhờ có hội nghị này mà tôi hiểu người nhà mình trong trại cũng được quan tâm, chăm sóc đầy đủ như bên ngoài. Vừa mang giá trị nhân văn, song đây còn là cơ hội để chúng tôi nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người thân.
Từ đó gắn kết, phối hợp nhịp nhàng hơn với giám thị để động viên, cảm hóa người thân cải tạo tốt hơn. Vững tin để phấn đấu, chờ ngày hoàn lương”, chị Nguyễn Thị Ánh (huyện Điện Biên) - người nhà phạm nhân bộc bạch.