Không ồn ào, không phô trương, tình yêu nước của thế hệ trẻ hôm nay đang được thể hiện bằng những cách rất riêng, mang tính thời đại.
Đó là những hành động nhỏ, song mang đậm chiều sâu văn hóa và trách nhiệm.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự bùng nổ thông tin, giới trẻ Việt Nam đang ngày càng ý thức rõ hơn về giá trị của bản sắc văn hóa và lịch sử dân tộc. Không còn là những bài học khô khan trong sách vở, lịch sử và văn hóa truyền thống đang được tiếp cận theo những cách mới mẻ, đầy hứng khởi.
Hình ảnh các bạn trẻ tự tin diện cổ phục trong các dịp lễ, tết hay thậm chí trong những bộ ảnh đời thường; các câu lạc bộ tìm hiểu lịch sử, văn hóa thu hút đông đảo thành viên; các lớp học nhạc cụ dân tộc, thư pháp, hát xẩm, ca trù ngày càng phổ biến... tất cả cho thấy một sự chuyển mình đáng kể.
Truyền thông và mạng xã hội cũng đóng vai trò quan trọng trong việc lan tỏa những hình ảnh đẹp, những câu chuyện ý nghĩa, khơi gợi tình yêu di sản trong thế hệ trẻ. Giữa vô vàn những lựa chọn giải trí hiện đại, việc “hướng về cội nguồn” trở thành một điểm tựa tinh thần, một cách để người trẻ tìm thấy sự kết nối sâu sắc và ý nghĩa cuộc sống.
Trong bức tranh đa sắc màu đó, câu chuyện của nhóm phục dựng ảnh Skyline mang một gam màu đặc biệt - trầm lắng nhưng đầy sức lay động. Hành trình của họ bắt đầu không phải từ một kế hoạch lớn lao, mà từ những đam mê cá nhân và sự tình cờ.
Sinh năm 1996, tại Hải Dương, anh Phùng Quang Trung có niềm đam mê đặc biệt với nhiếp ảnh và chỉnh sửa hình ảnh. Năm 2021, trong thời gian giãn cách vì dịch Covid-19, anh Trung tình cờ biết đến câu chuyện về một gia đình liệt sĩ ở Nghệ An suốt nhiều năm chỉ mong có được bức ảnh thờ người con trai hy sinh.
Xúc động trước hoàn cảnh ấy, Phùng Quang Trung quyết định tự mày mò học kỹ thuật phục dựng ảnh để có thể tặng gia đình một bức chân dung trọn vẹn. Đó cũng là cột mốc đánh dấu khởi đầu cho hành trình đầy nhân văn và ý nghĩa.
Chia sẻ câu chuyện và hành trình phục chế, trao tặng ảnh liệt sĩ lên mạng xã hội, anh Trung đã nhanh chóng tạo nên làn sóng trong cộng đồng chỉnh sửa ảnh. Nhiều gia đình liệt sĩ từ khắp nơi gửi tin nhắn với mong muốn được Phùng Quang Trung giúp đỡ. Bên cạnh đó, cũng có không ít bạn trẻ có cùng đam mê tìm đến, muốn đồng hành với anh Trung.
Trên cơ sở đó, chàng trai trẻ đã thành lập nhóm Skyline, nơi tập hợp những người chung chí hướng, cùng nhau học hỏi từ kỹ thuật phục dựng cho đến cách thổi hồn vào từng bức ảnh, để mỗi tấm hình không chỉ là sản phẩm kỹ thuật, mà còn là ký ức sống động về một con người đã hy sinh.
Trò chuyện với phóng viên, anh Đinh Hoàng Giang, một thành viên trong nhóm Skyline, chia sẻ: “Nhiều người trong nhóm đến với hành trình này một cách tình cờ. Với tôi, cơ duyên đến từ việc xem được những thước phim mà anh Trung và các bạn trong nhóm đi trao ảnh chân dung cho gia đình liệt sĩ. Cảm xúc lúc đó rất đặc biệt, vừa xúc động, vừa thấy việc làm ấy thật ý nghĩa. Nó khiến mình muốn góp chút sức nhỏ để tri ân thế hệ đi trước”.
Không làm vì danh tiếng hay lợi ích kinh tế, động lực cốt lõi của các thành viên Skyline chính là giá trị cảm xúc khi tận tay trao đi những bức ảnh đã phục dựng. Khoảnh khắc chứng kiến sự xúc động của thân nhân liệt sĩ khi nhìn lại hình ảnh người thân trở thành nguồn cảm hứng mạnh mẽ.
“Mỗi khi làm xong ảnh, nhất là khi nhìn thấy gia đình rưng rưng nhận lại tấm chân dung người thân, mình cảm thấy rất hạnh phúc, nhẹ nhõm. Mình biết đây không chỉ là một bức ảnh, mà còn là ký ức, tình cảm, là phần hồn thiêng liêng trong mỗi gia đình”, anh Giang nói.
Quy trình phục dựng đòi hỏi sự tỉ mỉ và vô cùng kiên nhẫn. Với những bức ảnh chỉ còn là mảnh giấy ố vàng, nát vụn, chi tiết gần như không còn, họ phải kết hợp công nghệ hiện đại với việc tìm kiếm tư liệu, đối chiếu ảnh người thân và lắng nghe kỹ lưỡng từng lời mô tả của gia đình.
Có người nhớ mắt tròn, có người bảo mắt hơi xếch, có người nói mũi cao, có người khăng khăng là thấp. Mỗi chi tiết, dù nhỏ nhất, đều được cân nhắc cẩn trọng, bởi họ hiểu rằng, đó “không đơn thuần là ảnh, mà là ký ức, là linh hồn của một con người”.
Đến nay, Skyline đã phục dựng được hàng nghìn ảnh các anh hùng liệt sĩ. Khi được hỏi về một kỷ niệm đặc biệt trong quá trình làm việc, anh Giang kể: “Đó là câu chuyện về một Mẹ Việt Nam Anh hùng ở Bắc Giang.
Hồi tháng 10/2024, sau khi nhóm mình vừa thực hiện xong một dự án hỗ trợ nạn nhân lũ lụt ở Lào Cai, thì nhận được tin nhắn từ cháu của mẹ. Người này tha thiết nhờ nhóm phục dựng một bức ảnh mẹ chụp cùng người con trai đã hy sinh. Lúc đó, mẹ đang bệnh nặng và có thể không qua khỏi.
Người cháu chỉ mong có bức ảnh mẹ - con đoàn tụ để bà được nhìn thấy trước khi nhắm mắt. Dù rất mệt sau chuyến đi, nhóm vẫn ngồi làm xuyên đêm. Bức ảnh hoàn thiện là hình người mẹ được ghép ngồi bên con trai và được gửi kịp thời về cho gia đình.
Thật xúc động, sau khi nhận ảnh, sức khỏe mẹ khá lên, ăn uống, trò chuyện được. Nhưng đến đầu năm nay, mẹ đã ra đi ở tuổi 100. Gia đình báo lại rằng cụ đi rất thanh thản. Điều đó khiến mình và mọi người thấy tất cả công sức đều xứng đáng”.