Tại Phiên họp thứ 3 - Sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long đã điểm lại 10 kết quả nổi bật, đồng thời chỉ ra 3 điểm nghẽn chính trong 6 tháng đầu năm nay.
Tại Phiên họp thứ 3 sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm,của Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06 - diễn ra ngày 20/7, Thượng tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, trong công tác chỉ đạo, 6 tháng đầu năm nay, Thủ tướng đã chủ trì 3 phiên họp Ban chỉ đạo, ban hành 10 nghị quyết, 1 chỉ thị, 8 quyết định để triển khai Đề án 06.
Trong tổ chức thực hiện, chúng ta đã hoàn thành được 55 nhiệm vụ với 10 kết quả nổi bật.
Thứ nhất, đã đưa hệ thống điều phối dữ liệu y tế chính thức đi vào hoạt động, đạt hiệu quả rất tốt với hơn 373 cơ sở khám chữa bệnh đã vận hành trên nền tảng này.
Thứ hai, triển khai nhiệm vụ nhận diện sinh trắc học ở sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất.
Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai đối chiếu trên 116 triệu hồ sơ trên nền tảng VNeID.
Thứ tư, đã triển khai chi trả 700.000 lượt hưởng an sinh xã hội qua kết nối tài khoản VNeID với trên 25 nghìn tỷ.
Thứ năm, đã phân tích hơn 10.000 mẫu ADN cho thân nhân liệt sĩ.
Thứ sáu, kích hoạt 64 triệu tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trên VNeID.
Thứ bảy, đã thí điểm Cổng ký số tập trung trên VNeID.
Thứ tám, ra mắt nền tảng bình dân học vụ số.
Thứ chín, phát động cuộc thi dữ liệu về cuộc sống.
Thứ mười, đưa 4 dịch vụ công trực tuyến của Đảng lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long cũng thẳng thắn nhìn nhận, hiện nay vẫn còn 45 dịch vụ chậm tiến độ liên quan đến vấn đề pháp lý, tạo lập kết nối chia sẻ và làm sạch dữ liệu.
Qua đánh giá, Bộ Công an nhận thấy, có 3 điểm nghẽn chính khi triển khai Đề án 06 trong 6 tháng đầu năm nay.
Thứ nhất, dữ liệu còn chưa đầy đủ, rời rạc và phân mảnh. Việc triển khai các cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành còn chậm. Cụ thể, có 4/11 cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành trọng yếu chưa có kế hoạch triển khai.
Có 7/11 cơ sở dữ liệu đang xây dựng vẫn còn hạn chế, bất cập, điển hình là cơ sở dữ liệu về đất đai. Đến nay, chỉ có 496/696 đơn vị cấp huyện trước đây đã hoàn thành.
Về cơ sở dữ liệu hộ tịch, đã hoàn thành số hoá 107 triệu dữ liệu nhưng chưa đảm bảo sạch sống. Hệ thống dữ liệu về bản án và quyết định của toà án được lưu ở nhiều địa phương khác nhau với nhiều định dạng khác nhau do thiếu mã định danh cá nhân nên không thể kết nối vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để làm sạch dữ liệu.
Trong 116 cơ sở dữ liệu quy định tại Nghị quyết 71 của Chính phủ có 105 cơ sở dữ liệu phải hoàn thành trong năm 2025, nhưng hiện nay có 28 cơ sở dữ liệu chưa được triển khai. Đối với 88 cơ sở dữ liệu đã triển khai, qua đánh giá sơ bộ cho thấy, thì đa số chưa đảm bảo tiêu chuẩn về đúng, đủ, sạch, sống, kết nối liên thông giữa các bộ, ngành.
Bên cạnh đó, nhiệm vụ hoàn thành 11 cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành trọng yếu theo kế hoạch 02 của Trung ương và 105 cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo Nghị quyết 14 là rất lớn và rất khó khăn để hoàn thành trong năm 2025, nhất là dữ liệu về đất đai, toà án, y tế, giáo dục, nếu không có sự vào cuộc quyết liệt, quyết tâm, chỉ đạo sát của Thủ tướng Chính phủ và người đứng đầu các bộ, ngành.
Điểm nghẽn thứ 2 về nền tảng, lãnh đạo Bộ Công an cho biết, qua khảo sát, các bộ ngành vẫn chưa xây dựng được các nền tảng dùng chung cho bộ ngành. Nền tảng của các khối cho hệ thống chính trị hiện nay còn rất chia cắt, chưa kết nối liên thông, điển hình như các bộ Nông nghiệp và môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Y tế không có sự thống nhất về nền tảng với bộ ngành và địa phương, dẫn đến tình trạng thiếu đồng bộ, liên thông, kết nối dữ liệu.
Vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Nghị quyết số 1527 quy định danh mục và kế hoạch triển khai 55 nền tảng quốc gia, nền tảng số dùng chung của các ngành, lĩnh vực, yêu cầu đặt ra đối với các bộ, ngành để khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai sớm để kịp thời tháo gỡ điểm nghẽn này.
Điểm nghẽn thứ 3, vấn đề về dữ liệu và nền tảng dẫn đến việc cung cấp dịch vụ công còn nhiều hạn chế, đặc biệt là cơ chế vận hành các dịch vụ công trực tuyến, điển hình như 25 dịch vụ công trực tuyến toàn trình thì phát sinh gần 120 nghìn hồ sơ từ 1/7 đến nay, tập trung ở các dịch vụ như cấp bản sao trích lục hộ tịch, giấy khai sinh, cấp điện mới từ lưới điện hạ áp, cấp đổi giấy phép lái xe.
Trong đó, duy nhất dịch vụ cấp đổi giấy phép lái xe được thực hiện 100% trực tuyến với hơn 36 nghìn hồ sơ. Có thủ tục nộp trực tuyến chiếm 80%, nhưng nhiều dịch vụ còn tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến chỉ chiếm khoảng 20-50%.
Thượng tướng Nguyễn Văn Long cũng cho biết, thực tế, có một số địa phương có tỷ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến rất thấp, điển hình như Hà Nội chỉ đạt trên 17%.
Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do chưa có quy định để dẫn dắt người dân thực hiện trực tuyến đối với các dịch vụ công toàn trình về dữ liệu. Ngoài ra, hiện còn 15 thủ tục hành chính chậm tiến độ, chưa hoàn thành tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Trách nhiệm này của 7 bộ, ngành gồm: Giáo dục đào tạo (3 bộ thủ tục), Nội vụ (6 bộ thủ tục), Tài chính (1 bộ thủ tục), Nông nghiệp và môi trường (2 bộ thủ tục), Văn hoá - Thể thao và Du lịch (1 bộ thủ tục), Y tế (1 bộ thủ tục), Công an (1 bộ thủ tục).
Về nhiệm vụ trọng tâm triển khai Đề án 06 trong 6 tháng cuối năm 2025, lãnh đạo Bộ Công an đề xuất một số nhiệm vụ.
Thứ nhất, đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện 5 nội dung trọng tâm bao gồm: đề ra lộ trình để khắc phục 45 nhiệm vụ chậm tiến độ, tập trung triển khai 30 nhiệm vụ phải hoàn thành trong 6 tháng cuối năm, trong đó khẩn trương phối hợp với Bộ Công an để tổng rà soát, đánh giá các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, xây dựng kế hoạch chi tiết, phối hợp chặt chẽ với các tập đoàn, doanh nghiệp, đẩy nhanh việc hoàn thành 11 các cơ sở dữ liệu trọng yếu theo kế hoạch 02 của bản Chỉ đạo Trung ương và 105 cơ sở dữ liệu chuyên ngành tại Nghị quyết 71 của Chính phủ. Trong đó, ưu tiên hoàn thành các cơ sở dữ liệu hộ tịch, đất đai, lĩnh vực giáo dục, y tế, công thương, tài chính và nội vụ.
Bộ Công an cũng lưu ý, tất cả các cơ sở dữ liệu các bộ, ngành xây dựng cần phải sử dụng tối đa các cơ sở dữ liệu của dân cư của Bộ Công an, để đảm bảo nguyên tắc đúng, đủ, sạch, sống và kết nối thông suốt.
Thứ hai, rà soát tổng thể, phối hợp với Bộ Công an có kế hoạch triển khai, cắt giảm ngay các thành phần hồ sơ trên giấy trong cấu trúc thủ tục hành chính đã được thay thế bằng dữ liệu và giấy tờ thích hợp trên VNeID; đơn giản hóa quy trình nhiệm vụ với 324 thủ tục hành chính, có thể cắt giảm thành phần hồ sơ của 13 bộ, ngành và các giấy tờ đã được tích hợp trên VNeID; 200 thủ tục hành chính có thể tái sử dụng dữ liệu về hộ tịch, đất đai đã số hoá…
Thứ ba, khẩn trương triển khai giải pháp trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua ứng dụng VNeID, bỏ việc cấp các loại giấy tờ và trả kết quả bằng bản giấy, cắt bỏ các khoản phí có liên quan đến sản xuất, in, cấp phát bản giấy để tạo lập dữ liệu…