TS Nguyễn Thị Tuyết Hạnh – Khoa Quản lý, Học viện Quản lý Giáo dục - cho rằng Bộ GD&ĐT cần rà soát, ban hành mới thông tư quy định định mức giờ lao động đối với giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông để phù hợp với yêu cầu triển khai Chương trình GDPT 2018. Theo đó, đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, cần hướng dẫn cụ thể quy định định mức giờ dạy.
Một lớp học của Trường THPT Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: NTCC |
“Nên chăng quy định định mức hiệu trưởng phải dạy 4 tiết/tuần, phó hiệu trưởng dạy 6 tiết/tuần. Không cần quy đổi số tiết dạy của ban giám hiệu nhà trường sang các hoạt động giáo dục khác. Như vậy, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng sẽ nắm chắc nội dung, chương trình giáo dục và tình hình thực tế dạy, học của giáo viên, học sinh…” – TS Nguyễn Thị Tuyết Hạnh đề xuất.
Nhấn mạnh lý do nên quy định hiệu trưởng, phó hiệu trưởng phải lên lớp trực tiếp giảng dạy số giờ trong chương trình giáo dục; TS Nguyễn Thị Tuyết Hạnh cho hay, ở một số nước như Singapore, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng không những dạy trực tiếp học sinh, mà họ còn dạy giỏi, dẫn dắt giáo viên trong thực hiện thay đổi. Hiệu trưởng, hiệu phó cũng là người thường lên lớp mỗi khi khách đến thăm trường, dự giờ. Họ đề cao quan điểm “muốn giáo viên thay đổi thì hiệu trưởng, phó hiệu trưởng phải là người tiên phong thay đổi…”.
Tại Australia, giáo dục cũng đề cao vai trò lãnh đạo, dẫn dắt chuyên môn của hiệu trưởng, trong đó nhấn mạnh hiệu trưởng phải làm tốt những gì yêu cầu đối với giáo viên. Trong khi đó ở Việt Nam, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng khi được bổ nhiệm thường ít đứng lớp trực tiếp dạy học sinh. Mặt khác, dù có quy định về định mức tiết dạy/tuần nhưng cho phép quy đổi, do đó nhiều hiệu trưởng, phó hiệu trưởng không lên lớp, xa rời thực tế, thiếu cập nhật; thậm chí một số lãnh đạo nhà trường không đủ khả năng thực hiện tốt các yêu cầu mới trong thực hiện chương trình giáo dục.
Theo TS Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, để chỉ đạo giáo viên thực hiện các yêu cầu mới trong dạy học, giáo dục và đánh giá học sinh thì hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cần tiên phong trong đổi mới phương pháp giảng dạy.
Mặt khác, theo tiêu chuẩn, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng thường được bổ nhiệm từ những giáo viên có thành tích tốt trong dạy học, giáo dục học sinh. Vì vậy, cần để họ tiếp tục phát huy năng lực và trên hết để học sinh được thụ hưởng những giờ dạy hay từ các thầy, cô giáo có chất lượng, trong đó có hiệu trưởng, phó hiệu trưởng. “Nếu biết sắp xếp thời gian biểu làm việc khoa học, sẽ không khó để thực hiện việc hiệu trưởng, phó hiệu trưởng dạy một số tiết/tuần”, TS Nguyễn Thị Tuyết Hạnh khẳng định.
Theo ông Lê Tuấn Tứ, do không trực tiếp dạy học nên có tình trạng hiệu trưởng, phó hiệu trưởng lơ mơ về chuyên môn. Ở nhiều trường phổ thông, rất hiếm thấy hiệu trưởng đứng lớp giảng dạy để giáo viên dự giờ, học tập kinh nghiệm. Thực tế này càng đặt ra yêu cầu, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng phải duy trì định mức tiết dạy/tuần theo quy định.