Bà Thảo cũng nêu một số bất cập như chức năng, nhiệm vụ cao nhưng một số vấn đề phòng GD&ĐT lại không có quyền quyết định dẫn đến có những khó khăn, vất vả trong hoạt động. Đơn cử như thi đua khen thưởng, xếp loại… nếu phòng được quyết sẽ nhanh gọn hơn. Do đặc thù, giáo viên được đánh giá 2 lần trong năm. Một lần vào dịp cuối năm học vì nhà trường hoạt động theo năm học. Lần thứ 2 là đánh giá viên chức vào cuối năm. Như vậy lại thêm một lần đánh giá, gây vất vả dù cùng trên cơ sở tiêu chuẩn nghề nghiệp.
Theo bà Hoàng Thị Phương Thảo - Trưởng phòng GD&ĐT TP Vinh (Nghệ An), so với trước đây, chức năng nhiệm vụ của phòng ngày càng cao với khối lượng đầu việc nhiều. Trong lĩnh vực quản lý Nhà nước, phòng GD&ĐT là đơn vị chuyên môn của UBND thành phố. Vì vậy, nhiều hoạt động chính trị, văn hóa, kinh tế, xã hội…, phòng GD&ĐT đều tham gia phối hợp thực hiện, như công tác an ninh trường học phối hợp với công an thành phố; vệ sinh an toàn thực phẩm phối hợp với ngành y tế và quản lý thị trường… Phòng GD&ĐT cũng tham gia vào nhiều ban chỉ đạo các kế hoạch, đề án, chương trình mục tiêu của thành phố.
Ngoài ra, quy định về quyền hạn đối với phòng GD&ĐT đang gây một số bất cập, vướng mắc. Ngoài sử dụng cán bộ, giáo viên và quản lý chất lượng, vấn đề tuyển dụng, luân chuyển điều chuyển, xếp loại thi đua… thì phòng GD&ĐT chỉ có vai trò tham mưu. Điều này khiến phòng chỉ như một đơn vị “trung gian” trong các vấn đề liên quan trực tiếp đến hoạt động của mình. Còn về hoạt động chuyên môn lại chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục với sở GD&ĐT.
Từ thực tế huyện Quế Phong, Nghệ An, ông Lữ Thanh Hà - Trưởng phòng GD&ĐT - nhận xét, nhiều hoạt động khi phối hợp với các phòng chuyên môn khác của huyện như Tài chính, Nội vụ… gặp khó khăn nhất định. “Về điều này, phòng GD&ĐT có ý kiến, văn bản tham mưu hoặc tờ trình đề xuất. Ví dụ như tuyển dụng, điều chuyển, luân chuyển đội ngũ để giải quyết tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ. Phòng không được quyết định nhưng công tác phối hợp chặt chẽ, các ý kiến chuyên môn được tôn trọng và đề cao sẽ giúp UBND huyện đưa ra các quyết sách phù hợp với tình hình thực tế và tạo sự đồng thuận cao”, ông Hà nêu ý kiến.
Đoàn công tác Sở GD&ĐT Nghệ An và Phòng GD&ĐT TP Vinh đến thăm Trường THCS Hưng Hòa (TP Vinh). |
Ông Nguyễn Thanh Lịch - Trưởng phòng GD&ĐT Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) - cho hay, hiện mỗi bậc học, đơn vị chỉ có 1 chuyên viên phụ trách. Vì vậy, phòng GD&ĐT xây dựng đội ngũ cốt cán để hỗ trợ công tác chuyên môn cho đơn vị. Thành viên của “tổ công tác đặc biệt” này có thể là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng hoặc giáo viên giỏi, có uy tín ở các trường học. Phòng GD&ĐT sẽ điều động trong một số trường hợp cần thiết như tham gia các đợt tập huấn chuyên môn do Bộ/sở GD&ĐT tổ chức, thành lập đoàn kiểm tra các cơ sở giáo dục do phòng GD&ĐT phụ trách hay thi giáo viên dạy giỏi, chủ nhiệm giỏi…
Tuy nhiên, vướng mắc nhất của mô hình này, theo bà Lê Thị Hoàng Chinh là phòng GD&ĐT không có cơ chế và cũng không có quỹ để hỗ trợ hay trả phụ cấp cho những cán bộ, giáo viên tham gia hỗ trợ các hoạt động chuyên môn của phòng. “Họ chỉ được thanh toán chế độ công tác phí khi được triệu tập. Chưa kể, khi theo các đoàn kiểm tra của phòng thì trường học phải điều động giáo viên dạy thay để không trống tiết. Ngoài ra, việc bồi dưỡng chuyên môn đều buộc phải tổ chức vào ngày thứ 7, trong khi đây là thời điểm các trường cũng thường hay sinh hoạt chuyên môn hoặc hội họp”, bà Chinh trao đổi.
Theo ông Lữ Thanh Hà, Phòng GD&ĐT Quế Phong cũng giống các phòng chuyên môn khác của UBND huyện. Nhiệm vụ là giúp UBND quản lý điều hành về giáo dục trên địa bàn. Vì thế, ngoài chuyên môn, các vấn đề khác liên quan đến giáo dục trên địa bàn đều phải tham gia thực hiện. Trong khi đó, Quế Phong là huyện vùng cao biên giới, số trường lớp trải khắp địa bàn nhưng nhân lực của phòng GD&ĐT lại được tính bình quân trên đầu dân cư, số trường học. Điều này dẫn đến số lượng nhân sự được giao cho phòng cũng chỉ tương đương các phòng khác của huyện và thấp hơn so với phòng GD&ĐT nhiều huyện khác có dân số đông hơn dù địa bàn rộng, hoạt động vất vả hơn.
Phòng GD&ĐT huyện Quế Phong hiện chỉ có 4 công chức, gồm 1 trưởng phòng, 2 phó phòng và 1 kế toán được tăng cường từ phòng Tài chính huyện sang. Để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý Nhà nước và chuyên môn, nâng cao chất lượng giáo dục, phòng sử dụng thêm đội ngũ viên chức biệt phái. Họ là những người có năng lực chuyên môn vững vàng, là hiệu phó các trường học về giúp việc cho phòng.
“Cùng với sự quan tâm chỉ đạo và đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị của chính quyền địa phương, chất lượng giáo dục của Quế Phong những năm gần đây được nâng lên rõ rệt. Trong 2 năm học gần đây, phòng được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đó cũng là sự ghi nhận của cấp trên và tạo động lực để chúng tôi nỗ lực vượt khó”, ông Hà nói.
Trong hệ thống các phòng GD&ĐT trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Phòng GD&ĐT thành phố Vinh là đơn vị được giao số lượng công chức nhiều nhất với 9 người. Bên cạnh đó còn có 8 viên chức biệt phái. Vì vậy, phòng cơ bản sắp xếp vị trí chuyên viên phụ trách đầu việc chuyên môn đầy đủ cũng như các công việc chức năng khác.
Tuy nhiên, phòng lại không có đủ nhân lực để bố trí chuyên viên phụ trách mỗi môn của mỗi cấp học mà chủ yếu là kiêm nhiệm. Riêng một số môn như Tin học, Ngoại ngữ, Thể dục… thì chuyên viên phụ trách cả 3 cấp học. Nhưng đổi lại, áp lực về chất lượng giáo dục toàn diện của thành phố Vinh cũng rất lớn với vai trò như đầu tàu của cả tỉnh về giáo dục đại trà, mũi nhọn và thí điểm mô hình mới.