Để kết quả đo lường sự hài lòng dịch vụ giáo dục công không nằm trên giấy

08/08/2023, 06:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Các chuyên gia cho rằng, cần công khai minh bạch kết quả khảo sát, đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công...

Ông Lê Tuấn Tứ (Đại biểu Quốc hội khóa XIV, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Khánh Hòa): Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong khảo sát, đo lường

Để kết quả đo lường sự hài lòng dịch vụ giáo dục công không nằm trên giấy  ảnh 2
Ông Lê Tuấn Tứ.

Khảo sát, đo lường mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công có tác động lớn đến thực tiễn hoạt động trong các cơ sở giáo dục.

Kết quả của khảo sát, đo lường sẽ là căn cứ khoa học, minh bạch và khách quan để cơ quan quản lý và cơ sở giáo dục nắm bắt được nhu cầu, mong muốn của người dân; từ đó cung cấp dịch vụ và có những giải pháp cải thiện chất lượng, trên hết là đáp ứng sự hài lòng và lợi ích chính đáng của người dân.

Muốn vậy, ngoài việc xây dựng bộ chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân, các địa phương, cơ sở giáo dục cần xây dựng phương pháp đo lường, phân tích số liệu để đảm bảo thông tin kết quả khảo sát là chính xác, đáng tin cậy. Trong quá trình triển khai, cần đảm bảo tính khách quan và nghiêm túc.

Theo đó, các địa phương, đơn vị có thể tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc khảo sát, đo lường mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công. Cần thiết kế và hoàn thiện phần mềm theo hướng thân thiện, dễ làm, dễ thực hiện và phù hợp với nhiều đối tượng.

Để việc khảo sát, đo lường mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công phát huy hiệu quả vào thực tiễn, các địa phương, cơ sở giáo dục cần coi kết quả khảo sát, đo lường là những chỉ báo quan trọng để xác định được nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân. Từ đó có biện pháp cải tiến, nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân.

Ngoài ra, để nâng cao tỷ lệ hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công, địa phương, cơ sở giáo dục đào tạo cần thực hiện “3 công khai”, gồm: Cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế; điều kiện đảm bảo chất lượng nhà trường; thu chi tài chính. Trên cơ sở đó, đảm bảo mọi người dân đều tiếp cận thông tin một cách đầy đủ, thuận tiện và chính xác.

PGS.TS Chu Cẩm Thơ (Phó Tổng thư ký Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam): Công khai kết quả khảo sát, đo lường

Để kết quả đo lường sự hài lòng dịch vụ giáo dục công không nằm trên giấy  ảnh 3
PGS.TS Chu Cẩm Thơ.

Về nguyên tắc, việc đo lường, đánh giá thực sự khách quan, hiệu quả, thực chất khi và chỉ khi mục tiêu đánh giá cũng như phương thức triển khai khoa học, thực tiễn, minh bạch, được ghi nhận tác động và sử dụng kết quả.

Ở đây, chúng ta nên quan tâm việc đánh giá quá trình (chứ không chỉ dựa trên một vài thời điểm), mẫu lớn (thu hút hầu hết người tham gia dịch vụ) và tự đánh giá, đánh giá khách quan.

Ngoài ra, công cụ khảo sát cũng được cập nhật, cải tiến để phù hợp với bối cảnh thực hiện, dễ thực hiện. Yếu tố có thể dẫn đến giảm niềm tin, uy tín của đo lường, đánh giá khi kết quả không được công bố minh bạch, không được sử dụng trong thực tiễn hay không thấy sự cải tiến của dịch vụ sau khi tiếp nhận sáng kiến, đề xuất của người dân.

Việc khảo sát nên tiếp cận càng nhiều nội dung thuộc dịch vụ giáo dục càng tốt. Tuy nhiên, một trong những khâu không kém phần quan trọng, đó là làm cho người dân thông hiểu dịch vụ giáo dục, minh bạch tiêu chuẩn chất lượng giáo dục (làm căn cứ để đo lường, đánh giá).

Trên thực tế, lĩnh vực giáo dục đã được triển khai khảo sát, đo lường sự hài lòng của người dân nhưng ảnh hưởng của công việc này chưa rõ nét. Các kết quả khảo sát, đo lường, đánh giá sẽ nằm trên giấy nếu không minh bạch, không được công khai với đối tượng tham gia khảo sát và dễ dàng tiếp cận đối với mọi người dân.

Chúng ta nên thực hiện việc khảo sát, đo lường trên diện rộng, dễ thực thi, để đảm bảo người dân có thể tham gia dễ dàng cả về thời gian và phương tiện thực hiện. Ngoài ra, cần công khai thời gian công bố kết quả khảo sát, đo lường, tiến hành nghiên cứu để đưa kết quả vào thực tiễn cải tiến dịch vụ. Đặc biệt, công khai kế hoạch tiếp nhận, áp dụng cải tiến này đối với đơn vị thực thi giáo dục, có thể cả ở phạm vi địa phương và quốc gia.

“Các khuyến nghị từ kết quả khảo sát có thể cần những điều chỉnh lớn trong hệ thống cơ chế, chính sách cho giáo dục nói chung và giáo dục công lập nói riêng. Do đó, có thể cần thêm cơ chế thí điểm chính sách cho giáo dục công lập, nhằm khẳng định đầu tư cho giáo dục luôn là quyết sách hàng đầu của Đảng và Nhà nước”. - PGS.TS Phạm Thị Huyền

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/de-ket-qua-do-luong-su-hai-long-dich-vu-giao-duc-cong-khong-nam-tren-giay-post649642.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/de-ket-qua-do-luong-su-hai-long-dich-vu-giao-duc-cong-khong-nam-tren-giay-post649642.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Để kết quả đo lường sự hài lòng dịch vụ giáo dục công không nằm trên giấy