“Theo tôi, để đạt được điểm tối đa ở đề thi này rất khó. Nếu HS nắm chắc kiến thức thì dễ dàng đạt 7-8 điểm. Còn muốn đạt điểm cao hơn, ngoài việc nắm chắc kiến thức cần có sự tổng hợp, tư duy nhiều hơn” - thầy Giáp nhận định.
Tổ hợp khoa học tự nhiên - khoa học xã hội: Chưa đột phá
Đa số GV tổ hợp khoa học tự nhiên nhận xét đề minh họa có sự phân hóa. Tuy nhiên, họ mong muốn đề thi có sự đột phá để tiệm cận với chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Với môn hóa học, thầy Phạm Lê Thanh, GV Trường THPT Nguyễn Hiền (quận 11, TP.HCM), nhận xét đề minh họa giữ ổn định cấu trúc và nội dung của chương trình 2006 như các năm trước. Đề thi đánh vào trọng tâm lý thuyết nền tảng hóa học vô cơ, hữu cơ trong chương trình lớp 12.
Tuy nhiên, nội dung các câu hỏi khó đã giảm bớt các bài tập tính toán phức tạp, thay vào đó là tăng cường câu hỏi gắn kết hóa học với thực tiễn cuộc sống, tiệm cận với đề thi đánh giá năng lực.
Tương tự, với môn vật lý, thầy Lê Thành Trung, tổ trưởng chuyên môn Trường THPT Hùng Vương (quận 5, TP.HCM), chia sẻ đề minh họa cơ bản giữ ổn định với bốn cấp độ là nhận thức nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao theo ma trận 14-10-12-4 câu.
“Tuy nhiên, đề minh họa chưa có sự phân hóa cao khiến HS khá - giỏi điểm số có thể ngang nhau. Các câu hỏi chưa có câu về hiện tượng, tư duy như kiểu đề đánh giá năng lực mà giữ theo kiểu ra đề cũ. Có lẽ đây là kỳ thi cuối theo chương trình cũ nên Bộ GD&ĐT muốn giữ sự ổn định nhưng tôi vẫn mong có một chút mới mẻ trong kỳ thi cuối cùng này” - thầy Trung đánh giá.
Với tổ hợp môn khoa học xã hội, đề minh họa vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của GV.
Chẳng hạn với môn địa lý, cô Nguyễn Thị Thu Ngân, GV Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (huyện Hóc Môn, TP.HCM), cho biết vẫn như mọi năm, đề có mức độ vừa phải, không quá khó, có sự phân hóa (tập trung vào 10 câu cuối). Đề minh họa có sự phối hợp tốt giữa Atlat, lý thuyết vận dụng, biểu đồ.
Với môn tiếng Anh, ThS Đặng Thanh Huân, GV Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4, TP.HCM), nói: “Đề minh họa tương đối dễ chịu và bám sát nội dung chương trình lớp 12. Các chủ điểm ngữ pháp, nội dung các điểm ngữ pháp, các dạng câu hỏi và tỉ trọng số lượng câu ở mỗi phần giống đề thi năm 2023. Giống như các năm trước, đề có sự phân hóa HS nằm ở phần từ vựng”.
Đề minh họa môn lịch sử cần sự đột phá ThS Thiều Quang Thịnh, GV Trường THPT Long Thới (huyện Nhà Bè, TP.HCM), cho biết cấu trúc đề minh họa với 75% nhận biết, thông hiểu, 25% vận dụng. Nội dung chủ yếu nằm trong chương trình môn lịch sử lớp 12. Những câu hỏi vận dụng tập trung phần lịch sử Việt Nam. Ở 30 câu đầu, HS hoàn toàn dễ dàng có điểm khi đọc kỹ các đáp án, tách biệt rõ giữa đáp án đúng với đáp án sai. Cách đặt câu hỏi ở phần này giống với đề thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ở 10 câu cuối thì có sự phân hóa sâu sắc. Câu hỏi yêu cầu đưa ra nhận định hoặc so sánh tính chất, đặc điểm của những sự kiện quan trọng trong giai đoạn lịch sử Việt Nam từ năm 1919 đến 1975. HS phải nắm chắc kiến thức và tư duy lịch sử tốt thì mới có điểm trọn vẹn ở phần này. Cô Nguyễn Thị Hà Diễm, GV Trường THPT Hùng Vương (quận 5, TP.HCM), đánh giá đề minh họa môn lịch sử từ câu số 1 đến câu số 32 dễ dàng cho HS. Từ câu số 32 trở đi, mức độ khó tăng dần. Đề phù hợp để vừa tốt nghiệp vừa xét tuyển vào các trường ĐH. “Đây là đề thi dành cho lứa HS cuối cùng của chương trình cũ. Vì vậy, Bộ GD&ĐT ra đề ổn định, chưa có sự đổi mới và đột phá. Tuy nhiên, lịch sử gắn liền với cuộc sống của con người. Do đó, đề thi nên tiếp cận với những vấn đề của cuộc sống để trở nên gần gũi. Tôi mong chờ điều đó nhưng đề chưa đáp ứng” - cô Diễm bày tỏ. |