Đề cập đến căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đề nghị rà soát, làm rõ hơn nhóm đối tượng có quan hệ gia đình gần gũi với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
“Việc xác định quan hệ cha, mẹ, con có các trường hợp con đẻ, con nuôi, con trước thời kỳ hôn nhân nhưng được thừa nhận, trường hợp con chưa thành niên, con đủ 18 tuổi. Với mỗi trường hợp này đều có những hệ quả pháp lý khác nhau trong những quy định cụ thể”, bà Nga cho biết.
Ngoài ra, bà cũng đề nghị làm rõ tiêu chí sự gương mẫu của vợ, chồng, con trong việc chấp hành chính sách pháp luật, làm căn cứ đánh giá thì cần có liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn được giao của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm để tránh việc lợi dụng các yếu tố vi phạm cá nhân của người thân để làm giảm uy tín của họ trong việc đảm nhiệm các chức vụ được giao.
Trước các ý kiến trên, bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Ban Công tác đại biểu cho biết “sẽ báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu để tiếp thu”.
Theo bà Thanh, dự thảo Nghị quyết được trình lần này đã thể hiện sự quyết liệt, nghiêm khắc, rõ mức độ trong công tác đánh giá và xử lý cán bộ. Quy định này cũng đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các quy định của Đảng liên thông với Quy định số 41 của Bộ Chính trị về việc từ chức, miễn nhiệm cán bộ và Thông báo Kết luận số 20 của Bộ Chính trị về bố trí cán bộ sau khi bị kỷ luật mà có năng lực và uy tín giảm sút.